Mắc tiêu chảy cấp được miễn phí khám chữa bệnh

(Dân trí) - Tại cuộc họp khẩn cấp của UBND Thành phố diễn ra chiều nay (1/11), UBND TP quyết định: toàn bộ bệnh nhân và người nhà bị mắc bệnh tiêu chảy cấp nghiêm trọng sẽ được khám chữa bệnh miễn phí tại các bệnh viện trên địa bàn thủ đô.

--> Tỉ lệ nhiễm bệnh tiêu chảy cấp gia tăng từng ngày

--> Không tự ý dùng thuốc điều trị khi mắc bệnh tiêu chảy

 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và đang có xu hướng lan rộng, 7 tấn bột khử trùng Cloramin B đã được tập kết về thành phố chiều tối qua nhằm đáp ứng sẵn sàng công tác khử trùng tiêu độc tại các điểm xảy ra dịch”.

 

Được biết, hôm nay chợ Lạc Thị (Thanh Trì), nơi được xác định là một trong những địa điểm phát dịch đã chấp hành lệnh tạm ngừng các hoạt động buôn bán. Cùng đó, cán bộ dịch tễ đã dùng 6 tạ Cloramin B khử trùng khu vực chợ và một chiếc ao ở gần đó.

 

Ông Tuấn cũng thông báo: Nhiều cơ số thuốc đã được chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố, sẵn sàng đón bệnh nhân bị tiêu chảy nghiêm trọng nhập viện. Theo đó, bước đầu bệnh nhân và người nhà sẽ được điều trị và cấp thuốc miễn phí ở tất cả các bệnh viện TƯ và Hà Nội. Vì vậy, khi người dân có triệu chứng nôn, mất nước, tiêu chảy nhiều cần khẩn trương nhập viện để được điều trị.

 

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch nguy hiểm, Sở Y tế Hà Nội đã huy động gần 2000 sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tham gia các hoạt động tuyên truyền, phát tờ rơi tại các địa điểm công cộng và hộ gia đình.

 

4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm:

 

Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan nhanh và dễ tử vong, nhưng có thể đề phòng được. Để ngăn ngừa bệnh và phòng dịch bệnh lây lan, mọi người thực hiện những khuyến cáo sau:

 

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

 

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.

- Phân và chất thải của người bệnh phải được đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B… vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.

- Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.

- Hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

 

2. An toàn vệ sinh thực phẩm

 

- Mọi nhà, mọi người đều thực hiện ăn chín uống sôi.

- Không ăn rau sống, uống nước lã.

- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

 

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.

 

- Nguồn nước uống phải được bảo vệ sạch sẽ.

- Tất cả các nước ăn uống đều phải đượt sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B

- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

 

4. Khi có người bị tiêu chảy cấp:

 

Phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng VN

 

P. Thanh