Ma trận kính thuốc

Hơn 95% cửa hàng mắt kính tại TPHCM có dịch vụ kính thuốc. Nhưng nếu cần mua, người bệnh sẽ hoang mang bởi mỗi nơi đo mắt cho một kết quả khác nhau, có khi không cần khám mắt mà vẫn có thể mua kính.

Khu vực Trương Định, Lý Chính Thắng, quận 3 được mệnh danh là "Liên hiệp các cửa hàng kính vỉa hè", một trong những nơi bán kính thuốc siêu rẻ. Nơi đây có cả một "công nghệ" làm kính thuốc mà không cần đo độ, chỉ "cầm tận tay thử tận mắt" là đủ.

 

Tại một cửa hàng kính có vẻ bề thế nhất khu này để làm kính viễn, khách được cô bán hàng niềm nở hỏi một hơi dài: "Chị đã biết độ của mình chưa? Nếu chưa thì ở đây có đủ loại kính để thử, cái nào nhìn rõ chữ thì lấy luôn không cần đo. Nếu muốn kiểm tra cho chắc ăn thì đến 46 Phạm Ngọc Thạch".

 

Khách chọn kính 1,25 độ, cô bán hàng hàng thông báo: "Mắt chị viễn đều hai bên nên không cần phải đo lại, kính này giá 30.000 đồng/cái, tròng mica là hàng Trung Quốc cao cấp".

 

Thấy khách ngần ngừ vì giá quá rẻ, cô bán hàng tư vấn: Vì tròng là mica nên dễ bị trầy xước, nếu thích có thể chọn tròng thủy tinh, giá 40.000 đồng/cặp, nhưng dễ vỡ. Nếu có tiền thì chọn tròng Orma là chất liệu tổng hợp đang thịnh hành, khó vỡ, loại có lớp tráng chống tia tử ngoại giá 80.000 đồng, loại thường chỉ 50.000 đồng.

 

Tại trung tâm kính thuốc trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, một bà khách muốn đo mắt cho cậu con trai 10 tuổi, và thực hiện yêu cầu này là một cô nhân viên bán hàng. Khách thắc mắc sao không có bác sĩ đo mắt, cô nhân viên này giải thích "đã quen máy".

 

Khu vực kính thuốc đường Lê Thánh Tôn, quận 1 trang bị máy móc khá hiện đại, phần lớn là máy của Nhật, Mỹ, hiệu Nidek, Topkon... Theo một người trong nghề, các loại máy của Nhật có độ chính xác cao, nhưng máy móc đều đo con người vận hành nên độ chính xác cũng tùy thuộc vào tay nghề của mỗi người.

 

Cùng một cách khám (đo bằng máy, sau đỏ thử độ trên kính mẫu) nhưng qua ba cửa hàng, chị Mai nhận được 3 kết quả khác nhau. Ở hiệu đầu tiên, kết quả là viễn 1,25 độ; cửa hàng thứ hai cách đó vài mét phán là viễn loạn 1 độ và tiệm cuối cùng là viễn 1,5 độ. Ở những nơi này đo mắt không tính tiền, nhưng phần lớn khách phải mua kính thì mới được đo.

 

Anh Hưng, người chuyên bỏ mối kính thuốc cho biết: Bán mắt kính, kể cả kính thuốc hay kính mát, đều được xem là "siêu lợi nhuận" vì chẳng ai biết giá thật như thế nào, cũng chẳng ai biết hàng thật hàng giả ra sao. Hầu hết kính thuốc ở các nơi chỉ ghi độ và chất liệu, không hề có bao bì để chứng minh xuất xứ. Chị Trang, chủ một cửa hàng kính thổ lộ: "Toàn lấy sỉ theo dạng bịch không hà, làm gì có hộp mà xem".

 

Giá cả thì đủ kiểu, "cực bèo" thì giới thiệu hàng Trung Quốc chỉ 20.000-80.000 đồng/cặp. Trung bình thì có hàng Hàn Quốc, Malaysia (có nơi giới thiệu thành của Mỹ, Nhật), giá 300.000-500.000 đồng. Theo anh Hưng, khách hàng thực ra rất khó nhận biết được hàng thật, hàng chất lượng hay hàng trôi nổi vì "cái nào cũng giống cái nào".

 

Ở một hiệu kính, cặp tròng loạn được giới thiệu là plastic của Hàn Quốc giá 120.000 đồng, của Đức 190.000 đồng vì chống trầy xước. Xịn hơn có loại chống vỡ của Đức giá 1,6 triệu đồng. Nhưng khi "truy" đến cùng tên thương hiệu, chủ hàng chỉ trả lời là "đảm bảo 100% hàng nhập ngoại".

 

Theo Phụ nữ