Lưu ý khi sử dụng quạt điện vào mùa hè

(Dân trí) - Gió từ quạt điện sẽ làm bạn dịu đi cái nóng bức giữa trưa hè oi ả. Thế nhưng các nhà y học nghiên cứu thấy rằng số người bị phát bệnh vì dùng quạt điện cũng không ít mà nguyên nhân chính là họ thiếu những hiểu biết thường thức về cách sử dụng quạt.

Có người muốn mát nhanh, đặt quạt gần người mình và cho chạy rất lâu không dừng. Làm như vậy, phần hướng về phía gió sẽ khiến mồ hôi bốc hơi rất nhanh, nhiệt độ ngoài da giảm xuống rõ rệt; còn phần không có gió, mồ hôi bốc hơi chậm, nhiệt độ ngoài da tương đối cao, mạch máu da giãn rộng. Lúc này sự tuần hoàn máu của cả cơ thể bị mất cân bằng, việc bài tiết mồ hôi cũng vậy, có thể phát sinh triệu chứng đau đầu, váng đầu, toàn thân bứt rứt, nặng thì dẫn tới trúng gió.

 

Có người đang rất nóng, mồ hôi như tắm, đột nhiên bật quạt số lớn, dễ dẫn tới nhiễm phong. Nếu lúc ngủ còn để quạt, sẽ bị cảm cúm.

 

Vậy dùng quạt điện thế nào mới đúng?

 

- Không bật số cao. Theo khoa học, tốc độ gió trong phòng tốt nhất nên khống chế ở mức 0,2 - 0,5 mét/giây, tối đa không quá 3 mét/giây. Vậy trong căn phòng tương đối thoáng gió thì chỉ nên mở quạt số nhỏ cho gió thổi nhẹ.

 

- Không để quạt thẳng vào người. Gió thổi thẳng vào người dễ khiến cho khí phong hàn xâm nhập vào cơ thể, nhất là đối với người suy nhược hoặc đang đầm đìa mồ hôi. Tốt nhất, nên để quạt thổi gió lệch sang phía khác.       

 

- Không nên để quạt thổi lâu vào một vị trí cố định trên cơ thể. Nên dùng quạt xoay chiều. Người già yếu, người suy nhược và trẻ em nên ít dùng quạt điện. Quạt điện chủ yếu chỉ dùng để điều tiết khí lưu trong phòng, qua đó gián tiếp làm mát.

           

- Khi mồ hôi ra nhiều, không nên lập tức bật quạt, vì lúc này mạch máu ngoài da toàn thân đang giãn rộng, đột nhiên bị gió mát thổi tới sẽ co lại, khiến việc bài tiết mồ hôi lập tức ngưng trệ, gây mất cân bằng giữa việc sinh nhiệt và tán nhiệt trong cơ thể, nhiệt lượng dư thừa không được phát tán ra ngoài.

 

Khi gió mát thổi, chức năng phòng ngự cục bộ giảm sút, virút và vi khuẩn xâm nhập có thể gây bệnh cảm nhiễm đường hô hấp, đau khớp, thậm chí đau bụng tiêu chảy.

 

Thu Hoài - Phúc Lưu