Lưu ý khi dùng thuốc viên sủi

C sủi là tên mà nhiều người dùng để gọi chung tất cả các thuốc dạng viên sủi, và sự ngộ nhận này có thể dẫn đến dùng nhầm. Chẳng hạn, có người đến nhà thuốc hỏi mua C sủi giảm đau trong khi thực tế không có loại thuốc này.

Cần phân biệt hai loại thuốc viên sủi với 2 tác dụng khác nhau: 

Loại viên sủi có vitamin C để điều trị trường hợp thiếu chất này, không có tác dụng giảm đau.

Viên sủi vitamin C

Mỗi viên thuốc chứa khoảng 60-75 mg vitamin C, có thể bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất khác. Thuốc được chỉ định trong trường hợp cơ thể thiếu hụt vitamin C do chế độ ăn kiêng, cần phục hồi sức khỏe, sau khi mắc các bệnh mạn tính, mỏi mệt do cảm cúm, làm việc quá sức, căng thẳng hay làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Khi dùng các loại thuốc có vitamin C, cần lưu ý:

Vitamin C hấp thu tốt, khi dùng quá nhu cầu thì lượng thuốc dư được đào thải qua nước tiểu.

Bệnh nhân sỏi thận không dùng quá 1 g vitamin C/ngày, vì liều cao (trên 2 g/ngày) có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm cận lâm sàng.

Nên tránh uống thuốc vào cuối ngày (có tác giả khuyên nên uống trước 16 h) vì thuốc có tác dụng kích thích nhẹ.

Các loại viên sủi nên bảo quản trong hộp kín. Giữ thuốc ở nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh để ánh sáng trực tiếp chiếu vào.

Đối với bệnh nhân theo chế độ ăn nhạt, cần xem kỹ hàm lượng Na trong viên thuốc. 

Không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi. Thận trọng khi dùng viên UPSA C cho phụ nữ có thai hay cho con bú (cần có chỉ định của bác sĩ).

Không dùng thuốc quá hạn ghi trên vỏ hộp, hòa tan viên thuốc vào trong 200 ml nước rồi chờ thuốc hết sủi bọt mới uống. Khi thấy có hiện tượng khác thường hay điều gì nghi ngờ thì cần hỏi lại ngay bác sĩ hay dược sĩ.

Các viên sủi giảm đau hạ sốt

Mỗi viên thường chứa 0,5 g paracetamol, một số loại có cả codein.

Paracetamol hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn, sau 30-60 phút sẽ đạt nồng độ tối đa trong huyết tương. Thuốc đào thải chủ yếu qua nước tiểu, thường được chỉ định trong các trường hợp đau vừa và trung bình như nhức đầu, cảm lạnh, đau họng, đau do hành kinh, đau nhức cơ xương, đau răng, đau nửa đầu, hạ sốt. Chống chỉ định: Các trường hợp quá mẫn với thành phần của thuốc, người suy gan, suy thận.

Khi dùng thuốc giảm, đau cần lưu ý: 

Không dùng chung với các loại thuốc khác có chứa paracetamol vì sẽ gây quá liều điều trị. Liều trẻ em tính theo 60 mg/kg mỗi ngày. Liều thuốc được chia đều cách nhau ít nhất 4 giờ, người suy thận mỗi lần uống cách nhau ít nhất 8 giờ.

Nếu dùng thuốc trong 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, nên đi khám bác sĩ. Dùng thuốc trong thời gian dài có thể gây nguy cơ xuất huyết. Mỗi viên Panadol có 425,5 mg Na, vì vậy cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ đối với bệnh nhân kiêng Natri.

Viên sủi Efferalgan codein (vỉ màu xanh có vạch đỏ) dành cho người lớn và trẻ em cân nặng trên 15 kg, được chỉ định dùng trong các trường hợp đau vừa và đau nặng khi dùng các thuốc khác không kết quả.

Chống chỉ định trong các trường hợp: Trẻ em cân nặng dưới 15 kg, người có bệnh gan nặng, hen phế quản, suy hô hấp, phụ nữ đang cho con bú. Không dùng chung với các loại thuốc có rượu. Với trẻ em, cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Mỗi viên thuốc có 380 mg Na. Người lái xe, điều khiển máy móc cần thận trọng vì thuốc gây buồn ngủ. Không nên dùng thuốc dài ngày, nếu cơn đau kéo dài trên 4-5 ngày cần có chỉ định của bác sĩ mới được điều trị tiếp.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống