Lỗi thường gặp khi nuôi bé

Tin vào mọi lời khuyên là sai lầm mà rất nhiều bà mẹ mắc phải. Lời khuyên từ kinh nghiệm của mẹ chồng, bà bán hàng, hàng xóm... có thể không đúng. Vì vậy, bạn cần biết sàng lọc thông tin.

Sau đây là những sai lầm khác

 

Không có thời gian nghỉ ngơi

 

Cuộc sống thay đổi khi bạn trở thành cha mẹ. Những ông bố bà mẹ trẻ dường như không nhận ra rằng tất cả thời gian dành cho đứa con, đặc biệt trong những tháng đầu, là nguyên nhân khiến cả hai trở thành mệt mỏi, cáu gắt.

 

Hãy dành thời gian để được thư giãn: Uống cà phê sáng, ăn trưa với bạn bè, đi dạo... Bạn sẽ thực hiện được điều này nếu biết cách sắp xếp công việc hợp lý.

 

Mất ngủ

 

Trẻ em mới sinh có giờ giấc ngủ nghỉ chưa ổn định theo nhịp sinh học bình thường. Chẳng hạn, nhiều bé có thể chơi suốt đêm và ban ngày ngủ. Các bà mẹ kiệt sức vì phải thức cùng bé.

 

Thậm chí, có nghiên cứu đã chỉ ra, nhiều bà mẹ mất từ 450-700 giờ ngủ khi nuôi trẻ trong năm đầu. Hãy thích nghi với giờ ngủ của bé, con ngủ thì mẹ ngủ.

 

So sánh con mình với các trẻ em khác

 

Đây là một lỗi khá tự nhiên mà các bà mẹ mắc phải mà không nhận ra. Chẳng hạn, khi thấy các em bé cùng tuổi với con bạn, trong óc bạn bắt đầu so sánh: Đứa nào xinh hơn, cao hơn, nhanh nhẹn hơn…

 

Có thể sự so sánh này là để biết tốc độ phát triển của trẻ, song không phải bé nào cũng phát triển giống nhau. Muốn biết trẻ có phát triển tốt không, hãy căn cứ vào sự phát triển trung bình của từng lứa tuổi. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu bé nhỏ hơn hay thấp hơn các em bé khác.

 

Sao nhãng bản thân và quan hệ vợ chồng

 

Bạn cần luôn nhớ rằng bạn còn gia đình chứ không phải chỉ có mỗi em bé. Hãy dành thời gian cho bản thân và gia đình. Đừng để công việc về con cái khiến mình trở nên luộm thuộm và phai nhạt tình cảm vợ chồng.

 

Lo lắng quá mức

 

Bạn luôn lo lắng về sức khỏe của bé; thấy một biểu hiện nhỏ cũng cuống quýt lên. Điều đó hẳn là không tốt. Hãy luôn giữ cho mình thái độ bình tĩnh và lạc quan. Khi trẻ có những dấu hiệu lạ hoặc bất thường, sự bình tĩnh, tỉnh táo giúp bạn xử lý tình huống tốt hơn.

 

Quá bao bọc trẻ

 

Đây cũng không phải là giải pháp hay cho trẻ. Hãy để trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh, bởi đó là cách để bé phát triển, học hỏi và nhanh chóng cứng cáp hơn. Có thể bạn chưa biết, đôi khi cho bé nghịch đất cát một chút lại tốt cho việc xây dựng hệ miễn dịch.

 

Quên tận hưởng những khoảnh khắc

 

Trẻ em lớn rất nhanh, vì thế có thể bạn sẽ hối tiếc nếu không lưu giữ những giai đoạn phát triển của bé. Hãy lưu lại những hình ảnh, sưu tập các bài báo về mốc thời gian quan trọng của trẻ, ghi chép lại những gì đáng yêu ngộ nghĩnh về con mình…

 

Điều này sẽ đem lại niềm vui hằng ngày cho bạn và là món quà bất ngờ cho bé mai sau.

 

Theo Sức khỏe & Đời sống