Lợi, hại từ thuốc ngừa thai khẩn cấp

Do tiện ích, thuốc ngừa thai khẩn cấp được khá nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc ngày một phổ biến khiến các nhà chuyên môn lo ngại.

Trung bình mỗi tháng có hơn 100 trường hợp rong huyết, chảy máu bất thường do dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp (TNTKC) đến khám tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương TPHCM.

Bác sĩ Âu Nhật Luân, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, nguyên Trưởng Khoa Hiếm muộn Kế hoạch hóa gia đình BV Hùng Vương TPHCM, cho biết cơ chế tác dụng của TNTKC là hoặc làm cho trứng không rụng được (vì vậy tinh trùng có vào thì cũng “không gặp ai”), hoặc làm cho niêm mạc tử cung không tiến triển (trứng đã thụ tinh thì không làm tổ được).

Đúng như tên gọi, TNTKC chỉ được dùng trong trường hợp khẩn cấp, chẳng đặng đừng, không thể áp dụng những biện pháp khác. Chẳng hạn tính sai ngày rụng trứng trong trường hợp dùng phương pháp lịch, vòng tránh thai bị lấy ra hay bị mất, quên dùng thuốc ngừa thai dùng hằng tháng... Tuy ích lợi như thế, nhưng TNTKC cũng gây ra không ít tác dụng phụ.

Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình, BV Từ Dũ cho biết, 25% người dùng sẽ bị buồn nôn, 20% bị xuất huyết, rong huyết (có trường hợp kéo dài và rất nặng), ngoài ra là nhức đầu, choáng váng, mệt mỏi, nhũn vú... Đáng lưu ý là nếu dùng quá liều thì hiệu quả ngừa thai của thuốc giảm đáng kể!

Ngày 15/8, đến một hiệu thuốc tây trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM, khi đề nghị mua TNTKC, người bán nhanh chóng lấy ra một hộp thuốc Postinor 2 gồm 2 viên. Hỏi cách dùng, người bán bảo cứ về nhà xem tờ hướng dẫn thì rõ. Khi mở tờ hướng dẫn ra xem, thấy có dòng chữ “Thuốc này chỉ dùng theo sự kê đơn của thầy thuốc”, nghĩa là người dùng không thể tự ý dùng mà phải có toa bác sĩ. Điều này cũng được nhà sản xuất thừa nhận khi in ký hiệu Rx (viết tắt tiếng Latinh, nghĩa là thuốc bán theo toa) ngay trên hộp thuốc. Nhà sản xuất cảnh báo nếu người dùng bị hen suyễn, suy tim, cao huyết áp, nhức nửa đầu, suy thận, động kinh, tiểu đường, tăng lipid máu... thì nên cân nhắc việc dùng thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế thì thuốc vẫn được bán “vô tư”, ai mua cũng được.

Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, ở nước ta có lẽ do “chính sách dân số” nên thuốc được bán... không cần toa. Nếu thế thì ít ra người bán thuốc cũng nên tư vấn cho người dùng cách sử dụng, cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bệnh tật kèm theo.

Trên địa bàn TPHCM, theo tìm hiểu của phóng viên thì 7/10 nhà thuốc có nhân viên không biết cách dùng Postinor như thế nào, 10/10 nhà thuốc nhân viên bán thoải mái mà không quan tâm đến việc người dùng đã dùng bao nhiêu viên trước đó, thậm chí có nơi dược sĩ bán thuốc (đeo bảng tên hẳn hoi) còn cho biết thuốc có thể dùng đến... 8 viên/tháng, gấp đôi liều!

Theo Người Lao Động