Lọc máu liên tục hơn 1 ngày cứu bệnh nhi nguy kịch do ong đốt

(Dân trí) - Trên đường đi học về, bé trai 6 tuổi băng tắt qua vườn cây, vô tình làm động tổ ong vò vẽ. Cháu đã bị đàn ong bay ra chích túi bụi khắp cơ thể. Bác sĩ đã phải lọc máu liên tục suốt 36 giờ loại bỏ nọc độc, cứu sống bệnh nhi.

 

Sau 36 giờ lọc máu liên tục, loại bỏ nọc độc, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch
Sau 36 giờ lọc máu liên tục, loại bỏ nọc độc, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch

Ngày 9 tháng 11, thông tin từ BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho hay, tại đây vừa cứu sống một bệnh nhi nhiễm độc rất nặng do bị ong vò vẽ tấn công.

Đó là trường hợp của bé T.V.H (6 tuổi, ngụ tại An Biên, Kiên Giang). Qua khai thác bệnh sử từ người nhà được biết, trước khi tai nạn xảy ra, bé H. đang trên đường đi học về. Để rút ngắn quãng đường về nhà, cháu đã băng tắt qua vườn cây trong ấp. Không ngờ trên đoạn đường đi tắt bé H. đã vô tình làm động tổ ong trên cây. Ngay lập tức cả bầy ong lao ra tấn công cậu học trò nhỏ.

Bé H. cố gắng vùng chạy khỏi bầy ong về nhà. Cha mẹ cháu đã chết lặng khi thấy toàn thân cậu con trai sưng phù. Ngay lập tức, bé được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại đây, qua thăm khám bác sĩ ghi nhận bệnh nhi rơi vào tình trạng lơ mơ, khó thở, vàng da, vàng mắt, không có nước tiểu. Kiểm tra trên cơ thể của bé ghi nhận tới 41 vết ong đốt khắp, tập trung nhiều nhất trên ở đầu, mặt, cổ, hai tay… gây sưng phù.

Kết quả xét nghiệm cấp cứu cho thấy, bệnh nhi bị suy gan (men gan tăng cao – ALT, AST tăng trên 3.000đv/L bình thường <40đv/L), suy thận, rối loạn đông máu, tán huyết, toan chuyển hóa, tăng kali máu. Tình trạng trúng độc nặng khiến bệnh nhi rơi vào nguy kịch.

Ngay lập tức, bác sĩ cho bé H. thở oxy và nhanh chóng chuyển đến khoa Hồi sức, tiến hành lọc máu liên tục để loại bỏ nọc độc của bầy ong. Sau 36 giờ lọc máu, chăm sóc, điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi dần cải thiện, tri giác tỉnh táo, bớt vàng da, vàng mắt, tiểu tiện bình thường. Cháu được cai máy thở và chuẩn bị xuất viện trong niềm vui của y bác sĩ và gia đình.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, trẻ bị ong tấn công là tai nạn thường gặp nhưng rất nguy hiểm, nọc độc của ong có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhi nếu không được cứu chữa kịp thời. Để tránh tai nạn tương tự xảy ra, phụ huynh cần quan tâm để mắt đến con trẻ, dạy trẻ ý thức tránh xa, không chọc phá các loài vật nguy hiểm như ong, rắn, chó, mèo… Cần chú ý xua đuổi hoặc phá bỏ các tổ ong trong vườn nhà để tránh nguy cơ chúng bảo vệ tổ, tấn công người.

Vân Sơn