Lở loét cũng dễ dẫn đến ung thư

Một vết lở loét do bị bỏng, phụ nữ bị viêm nhiễm phần phụ kéo dài... đều có thể chuyển sang căn bệnh ung thư quái ác, nếu chủ nhân lơ là, coi nhẹ việc điều trị.

Lâm trọng bệnh vì chủ quan

 

Cách đây 3 năm, do sơ suất khi tôi vôi làm nhà, chị Nguyễn Thị Vân Ánh (Thường Tín-Hà Nội) bị bỏng tại cẳng chân. Thấy vợ bị bỏng, anh chồng luống cuống nghe theo lời hàng xóm chạy vào bếp xách cả chai nước mắm đổ vào vết bỏng để sát trùng. Sau 3 ngày, vết bỏng của chị Ánh không những không se miệng mà lại có triệu chứng rỉ nước, mùi tanh rất khó chịu.

 

Để khắc phục tình trạng trên, chị Ánh ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh về nghiền nhỏ rắc vào vết thương. Tuy vết loét không còn chảy nước, nhưng vẫn không liền sẹo. Là gia đình nhà nông lại đang mùa cấy nên không thể vì một vết bỏng nhẹ mà bỏ bê công việc đồng áng, chị Ánh vẫn cùng chồng ra đồng xới đất, tưới phân chuẩn bị gieo mạ.

 

Thi thoảng, chị thấy nhức vết thương ở cẳng chân nhưng công việc nhà nông bận rộn khiến chị không có thời gian để chăm sóc. Một thời gian sau, khi vết thương đau nhức khiến không ăn không ngủ được, chị Ánh mới chịu đến Viện Bỏng Quốc gia để khám thì lúc này, vết loét đã ăn sâu vào trong các thớ thịt, lan rộng miệng ra xung quanh và chuyển bệnh ung thư. Chị Ánh đã ngất ngay tại bệnh viện khi nghe được thông tin này.

 

Tương tự, anh Khổng Quang Vinh (Tiền Giang) phát hiện có một vết loét ở lưỡi từ hơn 1 năm trước. Vết loét này cứ lớn dần, điều trị mãi không khỏi. Khi đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sỹ ở đây cho biết anh bị ung thư sàn miệng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh hút thuốc lá và uống rượu.

 

Tại bệnh viện U bướu T. Ư (Viện K), chị Trần Thị Hoa (Trực Ninh, Nam Định) vừa phải phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung. Theo lời chị Hoa thì trước đó, chị chỉ đoán mình bị viêm nhiễm phụ khoa qua những biểu hiện bên ngoài như hay bị ra khí hư. Nhưng vì thường xuyên phải ra đầm lội nước nuôi tôm, cá nên chị nghĩ có đi chữa cũng chẳng ăn thua vì vậy chị chấp nhận chung sống với bệnh tật.

 

Trong một đợt khám phụ khoa cho toàn bộ chị em trong xã, chị Hoa đã bị liệt kê vào danh sách những phụ nữ nghi ngờ bị ung thư cổ tử cung và được đưa lên tuyến trên xét nghiệm. Tại đây, chị Hoa bàng hoàng khi biết mình bị ung thư cổ tử cung và buộc phải phẫu thuật để kéo dài sự sống.

 

PGS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, những trường hợp như chị Hoa may được phát hiện sớm nên ngoài việc bảo toàn tính mạng, tiền chi phí cho những ca phẫu thuật này không nhiều. Nếu để bệnh nặng chuyển sang giai đoạn III trở lên thì tổng chi phí sẽ gấp hơn 100 lần so với giai đoạn I.

 

Vệ sinh sạch sẽ tránh bệnh nan y

 

Theo G.S Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội thì một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư là do người bệnh lơ là khâu vệ sinh khi cơ thể bị một vết thương dẫn đến bội nhiễm mà bệnh nhân Ánh là một ví dụ.

 

Rất may, bệnh nhân này đã đến Viện Bỏng Quốc gia khi bệnh ung thư đang ở giai đoạn đầu nên đã được GS. Lê Thế Trung phẫu thuật kịp thời, kéo dài được sự sống. Những người phụ nữ vừa cai sữa cho con cũng là đối tượng tấn công của căn bệnh ung thư vì khi vừa cai sữa, các tuyến vú trong bầu sữa vẫn còn ứ đọng và là tâm điểm xâm nhập của các loại vi khuẩn nếu bầu vú không được vệ sinh sạch sẽ. 

 

Cụ thể hơn, BS Nguyễn Chấn Hùng (TT Ung bướu TP.HCM) còn cho biết những người có vết sẹo bỏng cũ lâu ngày do xăng, vôi hoặc do vật gây cháy khác; người có vết loét hoặc ổ viêm nhiễm lâu ngày... đều có thể bị ung thư da.

 

Ngoài ra, những người làm việc ngoài trời như nông dân, người làm đường, người bị bệnh khô da nhiễm sắc, thiếu khả năng phòng ngừa tác hại của tia tử ngoại, người bị bạch biến do rối loạn chức năng sinh sản sắc tố đều có nguy cơ cao bị ung thư da.

 

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da của trẻ rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời so với người lớn và thường trở nên rám nắng sau vài phút tiếp xúc. Một đứa trẻ bị phơi nắng quá nhiều khi trưởng thành dễ bị ung thư da.

 

BS Hùng khuyến cáo vào buổi trưa (10h - 14h) cố gắng giữ cho trẻ không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nên chọn chỗ cho trẻ ở dưới bóng cây, nếu phải ra ngoài phải dùng các biện pháp bảo vệ như: ô, mũ, nón để phòng bệnh cho trẻ.

 

Theo Long Hải

Gia đình & Xã hội