Lở da đầu, cháy tóc vì thuốc duỗi

Thuốc duỗi tóc là một loại hóa chất độc, chỉ cần đụng vào da đầu là có thể gây cháy, gãy, rụng tóc. Nếu thao tác duỗi không đúng, nó sẽ làm tóc tiếp tục gãy nhiều sau vài tuần.

Thị trường thuốc duỗi tóc hiện nay có rất nhiều loại với nguồn gốc khác nhau như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ý... Không ít loại chẳng hề có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Nhiều thợ nhà, thợ vườn tự duỗi tóc theo cách của mình. Kết quả là nhiều người phải đến bệnh viện điều trị chứng rụng tóc sau khi duỗi.

 

Trước Tết Nguyên đán vài ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Phương Nam ở đường Hoàng Văn Thụ TPHCM đã mang hai chai thuốc duỗi tóc hiệu Wellastrate đến Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng để khiếu nại.

 

Chị Nam mua loại thuốc duỗi này ngoài chợ (của Công ty TNHH Nam Đào nhập khẩu và phân phối độc quyền) và mang đến thợ duỗi. Khi thợ thoa tuýp số 1 được khoảng 15 phút thì chị cảm thấy da đầu bị rát nên đi gội xả nước. Cảm giác đau rát tăng lên, tóc rụng nhiều.

 

Tìm đến nhà sản xuất thuốc để trình bày sự việc, chị Nam được người của công ty đưa đến Bệnh viện Da liễu khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán là viêm da dị ứng do thuốc duỗi tóc; chị phải mua thuốc uống, thoa dài ngày.

 

Chị Nam cho biết Công ty Nam Đào đã chấp nhận chi trả hoàn toàn chi phí điều trị và bồi thường 1,3 triệu đồng để bù vào những ngày nghỉ việc.

 

Bác sĩ Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, tuy không thống kê cụ thể nhưng thời gian gần đây, nhiều phụ nữ đã đến bệnh viện do viêm da, rụng tóc, gãy tóc sau một thời gian duỗi.

 

Hóa chất duỗi khi tác động lên da (nhất là những người có da nhạy cảm) sẽ gây tình trạng viêm da dị ứng. Khi cơ thể (cụ thể là da đầu) không dung nạp loại hóa chất này, lập tức sẽ xảy ra phản ứng. Khi đó, da đầu bị ngứa, đau rát, nổi mụn nước, chảy nước, làm mủ, bong da đầu và nặng hơn là làm rụng tóc về sau. Người bị viêm nang lông khi tiếp xúc với thuốc duỗi sẽ bị viêm chân lông, gây ngứa đỏ, đau, có mủ và đóng vảy trên da đầu, lúc đó tóc bị rụng rất nhiều. Trường hợp nặng sẽ bị rụng từng mảng tóc rất lâu phục hồi.

 

Theo bác sĩ Ánh, thuốc duỗi là một loại hóa chất không có lợi cho tóc, không nên sử dụng tùy tiện mà phải đến các chuyên gia về tóc cũng như bác sĩ tư vấn về tóc và da đầu...

 

Anh Phan Minh Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề thẩm mỹ Tầm Nhìn Mới, cho biết, thuốc duỗi có rất nhiều loại: dùng cho tóc khỏe, tóc hư nát, tóc nhuộm, tóc xoăn tự nhiên... nên cần chọn lựa thuốc phù hợp. Mỗi loại thuốc cũng kèm theo sản phẩm dưỡng riêng cho tóc sau khi duỗi. Nếu không biết chọn lựa thuốc và cách duỗi, tóc sẽ hư, gãy rụng nhiều, thậm chí da đầu bị dị ứng, viêm nhiễm, lở loét... Nếu thợ không làm đúng nguyên tắc sẽ lập tức gây tác dụng ngược. Có người tiết kiệm đã pha thêm thuốc hấp dầu (giá rẻ) vào thuốc duỗi, vô tình làm thay đổi cấu trúc tóc, đó là nguyên nhân gây gãy rụng tóc sau này...

 

Một số lưu ý khi duỗi tóc

 

Tùy từng loại tóc, thời gian duỗi khác nhau, trung bình 4-5 giờ.

 

Trước khi duỗi phải gội đầu sạch (nhưng không dùng dầu xả) để xử lý tạp chất tồn đọng trên tóc.

 

Sau khi sấy khô khoảng 90% mái tóc, chia tóc thành từng tép nhỏ, dùng chai thuốc duỗi số 1 thoa đều lên tóc, cách chân tóc 1 cm. Sau đó để từ 15-45 phút tùy theo tóc yếu, tóc khỏe hay tóc xoăn. Trong quá trình thoa thuốc, phải bảo đảm thoa đều, ngấm đều, không nên thoa nhiều ở một vị trí nào đó vì sẽ làm sợi tóc bị đứt ngang. Với tóc yếu, phải thoa sản phẩm bảo vệ tóc trước khi thoa thuốc duỗi, sau đó xả tóc bằng nước ấm, sấy khô.

 

Tiếp tục dùng kẹp điện để kẹp cho tóc thẳng. Quá trình kẹp - chải tóc phải thực hiện nhẹ nhàng, nếu không sẽ kéo giãn tóc. Kéo thẳng tóc xong, thoa đều tuýp thuốc thứ 2 lên tóc để định hình sự thay đổi cấu trúc. Để khoảng 15-20 phút cho tóc khô.

 

Sau khi duỗi xong, trong vòng 48 giờ không được vén, cột tóc và không được để tóc chạm nước vì sẽ làm tóc co trở lại, không thẳng tự nhiên. Điều quan trọng là sau khi duỗi, tóc đã trở thành sợi tóc “chết”, phải thường xuyên dưỡng bằng các sản phẩm giữ ẩm, Vitamin E hoặc hấp dầu...

 

Theo Sơn Nhung

Người lao động