Lên cơn co giật, động kinh vì sán “làm tổ” trong não

(Dân trí) - Có rất nhiều bệnh nhân thường xuyên bị co giật, động kinh hàng chục năm trời, đi khám, chữa trị nhiều nơi mà không dứt bệnh vì không tìm ra nguyên nhân. Đến khi tìm ra nguyên nhân là do sán làm tổ trong não thì ai cũng hoảng hồn.

Hoảng hồn vì có sán trong não
 
ThS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng TƯ cho biết, gần đây tháng nào Viện cũng phải tiếp nhận trên 30 bệnh nhân mới điều trị nội trú và điều trị ngoại trú vì nhiễm ấu trùng sán lợn... Các bệnh nhân đến viện với những biểu hiện cơ bản là đâu đầu kéo dài, liệt, động kinh muộn. Sau khi thăm khám, chụp XQ, chụp CT hoặc cộng hưởng từ thấy các nang sán trong não, nghe bác sĩ thông báo có sán trong não, hầu hết bệnh nhân đều hoảng hồn, kinh hãi.
 
Biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phù, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cu ngụ. Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt, và đặc biệt là não, trong hệ thần kinh trung ương, chiếm 60-80% các trường hợp. Khi cư trú vùng cơ, gây các tổn thương thì trên da người bệnh xuất hiện các nang nhỏ bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường.
 
Lên cơn co giật, động kinh vì sán “làm tổ” trong não - 1
Hình ảnh nang sán lợn trong não bệnh nhân. Ảnh: A.Hải

Còn khi cư trú ở não gây các triệu chứng động kinh, co giật, nhìn mờ, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, đau đầu kéo dài…”Đáng nói, biểu hiện của sán lợn trong não dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với một số bệnh thần kinh khác. Bởi người bệnh thường có đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, bại chân tay, rối loạn cảm giác, liệt, tăng áp lực nội sọ…Vì thế, rất nhiều bệnh nhân có ấu trùng sán lợn trong não đến viện sau cả quá trình dài vài năm đi khám ở nhiều nơi mà không phát hiện ra bệnh”, BS Dũng nói.

Bệnh phát hiện muộn do dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác, nhưng việc điều trị lại rất hiệu quả. Để điều trị ấu trùng sán lợn thường mất 2-5 đợt, khoảng 15-20 ngày/đợt và mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Nếu được phát hiện sớm bệnh nhân sẽ khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra, song nhiều trường hợp có thể để lại hiện tượng các nốt vôi hóa trong não do bị nang sán quá lâu không được điều trị.

Trên thực tế số bệnh nhân đến khám tại Viện Sốt rét kí sinh trùng T.Ư cho thấy, các bệnh nhân nhiễm sán lợn chủ yếu ở lứa tuổi trưởng thành, rải rác ở tất cả các địa phương, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín, ăn tiết canh, nem chạo hoặc quản lý phân chưa tốt. Sán dây lợn dài từ 2-3mm hoặc hơn, gồm nhiều đốt, có đốt cổ mảnh, có đốt thân trưởng thành, có đốt già. Trong một đốt sán già có thể chứa tới 55.000 trứng, những đốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5-6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài. Khi nguồn phân này được quản lý không tốt, dễ dàng lây nhiễm vào các nguồn thực phẩm khác, ăn sống không nấu chín dễ lây nhiễm sán.

Vì sao nhiễm sán lợn?

Vậy ấu trùng sán lợn xâm nhập vào cơ thể bằng con người nào? Có hoàn toàn do ăn đồ ăn sống chế biến từ thịt lợn như nem chạo, ăn phải thịt lợn gạo? ThS Dũng cho biết, ăn đồ ăn sống chế biến từ thịt lợn như nem chạo, tiết canh, ăn phải lợn gạo là một nguy cơ lớn để ấu trùng sán lợn xâm nhập. Tuy nhiên, nó cũng có thể xâm nhập tự nhiễm.

Ấu trùng sán lợn xâm nhập qua ăn uống khi người bệnh ăn phải thức ăn, nước uống, tay bẩn đưa lên miệng… có nhiễm trứng sán dây lợn sẽ khiến trứng sán xâm nhập vào đường tiêu hóa, dưới tác dụng của dịch dạ dầy chúng phát triển thành ấu trùng sán chui qua thành ruột vào vòng tuần hoàn rồi tới cư trú ở các cơ quan trong cơ thể ở thể nang sán.

Ấu trùng sán lợn cũng xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tự nhiễm. Đó là người ăn phải thịt lợn có ấu trùng sán vào ruột phát triển thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột non, hàng ngày các đốt sán già của sán dây trưởng thành rụng ra khỏi thân có kèm theo nhiều trứng sán dây. Vì một lí do nào đấy khiến người bệnh nôn ọe dẫn tới những đốt sán già theo nhu động ngược bất thường của ruột non trào ngược lên dạ dày, trứng sán thoát ra khỏi đốt sán tới tá tràng, ruột, ấu trùng thoát ra khỏi trứng xâm nhập vào vòng tuần hoàn.

Vì thế, để phòng bệnh, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân lợn, bò, tuyệt đối không dùng phân tươi để tưới rau… Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo, tiết canh, nem thính, nem chạo, thịt lợn tái, điều trị người bệnh khi có biểu hiện nhiễm sán dây…

Với bệnh ấu trùng sán lợn, khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để xác định và cần thiết sẽ tiến hành xét nghiệm chọc hút tại nang ấu trùng. Với những trường hợp này khi xét nghiệm phân cũng có thể thấy đốt sán và trứng sán. Với những u nang ở da được chọc hút lấy dịch xét nghiệm cũng tìmthấy ấu trùng sán lợn. Còn với những biểu hiện ấu trùng sán lợn vùng não, phim chụpX - quang não thất hoặc soi đáy mắt phát hiện thấy u nang sán hoặc ấu trùng sán lợn.

Tú Anh