Lao xương, lao hạch đang gia tăng

(Dân trí) - Các bệnh lao ngoài phổi gia tăng, bệnh lao ở người nhiễm HIV và tình trạng kháng thuốc là những mối nguy cơ khiến cho công tác chống lao ở TPHCM sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”, ThS. BS. Trần Ngọc Bửu cho biết tại buổi hội thảo mới đây.

Theo bác sĩ Bửu, Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong số các nước có tỉ lệ mắc lao cao nhất. Hiện bệnh lao ở Việt Nam có chiều hướng giảm nhưng các bệnh lý về lao ngoài phổi như lao xương, lao hạch lại đang tăng với tỷ lệ khá cao (khoảng 20%). Ngoài ra, tình hình bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng đang tăng, đặc biệt ở nữ giới, số người nhiễm HIV tăng gấp 4 lần so với các năm trước, từ 2% lên 9% ở quý 4/2007.

 

Đối với vấn đề lao trong những người nhiễm HIV, Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Số người nhiễm HIV đã hồi gia hiện nay là khoảng 10.000 người, đến cuối năm con số này sẽ tăng lên 15.000 người. Trong đó vấn đề kiểm soát bệnh lao ở các đối tượng này rất quan trọng, cần phải thiết lập hệ thống thông tin để phục vụ cho việc giám sát, chuyển gửi để quản lý các bệnh nhân này”.

 

BS Giang khẳng định: “Lao với HIV là bạn đồng hành, do đó ông yêu cầu BV Phạm Ngọc Thạch phải xây dựng hệ thống kiểm soát, quản lý người bệnh lao - HIV trên hoàn chỉnh vào cuối năm 2008 để đưa vào hoạt động tốt trong năm 2009.

 

Tình hình lao kháng thuốc cũng đang được thế giới báo động trong đó có Việt Nam, đến tháng 5/2007 đã có 37 quốc gia báo cáo có lao kháng thuốc.

 

BV Phạm Ngọc Thạch đã thành lập Dự án điều trị lao đa kháng thuốc với tên gọi Khoa điều trị MDR có 45 giường, với 4 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 3 tham vấn viên, các bác sĩ sẽ được gửi đi tập huấn về lao đa kháng thuốc ở các nước có kinh nghiệm về lao đa kháng. Ngoài ra, cũng đã nhập thuốc lao thế hệ thứ 2 có chất lượng cao nhằm điều trị bệnh lao đa kháng.

 

Mục tiêu của dự án này nhằm xây dựng mô hình chuẩn về điều trị lao đa kháng cấp Quốc gia và sẽ mở rộng dự án điều trị lao đa kháng cho các tỉnh thành khác trong nước.

 

Ngọc Thanh