Làm quen với Thiền

Thiền là khoảng lặng mà ở đó tâm hồn mỗi người sẽ được hưng phấn để có thể bay cao và xa hơn. Thiền rèn luyện sức khỏe, thiền nuôi dưỡng tinh thần.... Chính vì thế mà con người thời hiện đại tìm đến thiền ngày một nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.

Nếu trước đây thiền chỉ giới hạn trong phạm vi các thiền viện thì ngày nay, loại hình thư giãn độc đáo này đã có mặt ở khắp nơi, từ các trung tâm hoặc câu lạc bộ đến các bệnh viện, thậm chí cả trong nhà tù.

 

Từ lâu tác dụng tích cực của thiền đối với sức khỏe thể chất và tinh thần con người đã được minh chứng cụ thể dưới lăng kính khoa học.

 

Vào năm 1980, tại đại học Havard (Hoa kỳ), các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thử nghiệm đối với các thiền sư Ấn Độ bằng cách để họ nhập Thiền trong một gian phòng có nhiệt độ thấp, đồng thời khoác thêm lên mình nhiều tấm khăn đã được ướp lạnh.

 

Thật kì lạ, thay vì run do lạnh thân nhiệt, các Thiền sư không chỉ ổn định thân nhiệt mà còn đủ nóng làm khô các tấm khăn choàng! Hay trong một thử nghiệm khác với các bệnh nhân trầm cảm nặng, thiền cũng có khả năng giúp họ thuyên giảm bệnh đến 75%.

 

Trạng thái Thiền tuy là sự tĩnh lặng hoàn toàn nhưng lại có tác dụng gây hưng phấn tâm trí rất hiệu quả. Nhiều nghiên cứu bằng máy móc điện tử cho thấy hoạt động của não ở các Thiền sư luôn ở mức cao và trạng thái hưng phấn của tâm trí họ hoàn toàn hơn hẳn những người bình thường.

 

Một trong những quốc gia thường xuyên tổ chức các buổi toạ thiền là Ấn Độ - quê hương của kỹ thuật nuôi dưỡng tinh thần độc nhất vô nhị này. Chuyện kể rằng, vào năm 1944, một nhà tù ở Ấn Độ đã hướng dẫn cho hơn 9.000 phạm nhân thực tập Thiền trong vòng 10 ngày với hy vọng giúp họ bình ổn tâm trí cũng như giảm tối đa việc tái phạm sau khi mãn án.

 

Kết quả rất khả quan, hầu hết các phạm nhân đều trở nên bình tĩnh hơn và các cuộc bạo động trong nhà tù cũng giảm xuống một cách đáng kể. Theo thống kê, hiện nay việc tổ chức các buổi tọa thiền như thế đang rất phổ biến trong các nhà tù ở phương Tây.

 

Điểm đặc biệt của thiền là nó có thể thích hợp với tất cả mọi người, không phân biệt văn hóa chủng tộc. Bất cứ ai cũng có thể tập thiền, vào mọi nơi mọi lúc. Các nhà khoa học cho rằng ngồi thiền mỗi ngày có thể giúp bình ổn huyết áp, giảm stress...Tthiền giúp con người bình tĩnh, kìm chế cảm xúc, lạc quan và giải quyết công việc một cách sáng suốt hơn.

 

Kỹ thuật ngồi thiền về cơ bản có thể sơ lược qua ba bước sau:

 

1. Chuẩn bị

 

Trước hết bạn cần vệ sinh sạch sẽ, sau đó chọn mặc loại trang phục thoáng rộng rồi tìm một nơi thật yên tĩnh, tốt nhất là trong một gian phòng thông thoáng.

 

2. Ngồi Thiền

 

Để thoải mái, bạn nên ngồi trên một miếng đệm mỏng (có thể ngồi tựa lưng vào tường nếu chưa thật thành thục), lưng thẳng, mặt hướng về trước nhưng hơi cúi, lưỡi chạm nhẹ vào chân răng trên, mắt nhắm hờ hoặc nhìn xuống cách vị trí ngồi khoảng 1m, hai tay buông lỏng đặt trên đùi hoặc đan chéo để trước bụng và bắt đầu ngồi Thiền.

 

Về thời gian Thiền, bạn không cần phải cố gắng hay nóng vội, cứ để việc hành thiền được diễn ra một cách tự nhiên, tùy theo khả năng cũng như mức độ thành thục của bản thân. Thực tế cho thấy thiền rất cần có thời gian để làm quen, có khi phải mất hàng tháng trời.

 

3. Sau khi xả Thiền

 

Khi chấm dứt Thiền, bạn không nên đứng dậy vội mà cần thực hiện một vài động tác, đầu tiên là buông duỗi hai chân, sau đó xoay hông và cổ qua lại vài lần rồi massage nhẹ vùng mặt, cuối cùng là dùng hai tay hai chân kể cả lòng bàn chân.

 

Việc ngồi Thiền đòi hỏi chúng ta phải có đủ kiên trì để vượt qua. Bất cứ ai mới tập thiền cũng đều như thế, bạn không nên nản chí.

 

Sau đây là những rắc rối mà người mới tập thiền có thể mắc phải:

 

1.Tâm trí mông lung:

 

Đây là rắc rối phổ biến nhất đối với những người tập thiền. Để khắc phục, bạn nên tập trung đếm hơi thở, nhưng tốt nhất chỉ nên đếm từ 1 đến 5 rồi dừng, sau đó đếm lại.

 

Thêm một lưu ý là bạn nên giữ nơi hành thiền thật yên tĩnh, tránh những tiếng động mạnh vì có thể làm tâm trí bị xao nhãng.

 

2. Mệt mỏi

 

Nếu chưa thật quen với việc ngồi lâu, cách giải quyết tốt nhất là nên điều chỉnh lại tư thế ngồi sao cho thật phù hợp hoặc chọn phương pháp hành thiền (tức thiền đi bộ) với những bước nhỏ, chậm rãi (mỗi bước tương ứng với một hơi thở), mắt hơi nhìn xống, sau đó khi đã quen thì chuyển sang ngồi Thiền.

 

3. Hiệu quả không rõ ràng

 

Thấy chán nản vì lợi ích của thiền không biểu hiện một cách rõ ràng hoặc quá chậm chạp là sự cảm nhận chung ở nhiều người.

 

Tuy nhiên, thực tế thì lợi ích của thiền muôn hình muôn vẻ. Có người cảm thấy thiền có ích đơn giản vì đã giúp họ thoát khói tình trạng mông lung của tâm trí, hoặc cao hơn là rèn luyện khả năng làm chủ bản thân cũng như giải phóng mọi ức chế tinh thần...

Hãy kiên nhẫn tập luyện một cách tự nhiên, đừng có chờ đợi điều gì đó phi thường sẽ xảy ra. Lâu ngày, lợi ích của Thiền sẽ tự đến với bạn.

 

4. Quá bận rộn

 

Không mất quá nhiều thời gian, chỉ cần mỗi sáng sớm hoặc trước khi ngủ bạn dành từ 15 đến 20 phút để ngồi thiền là đủ.

 

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần