Làm gì khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV?

(Dân trí) - Trong số 35 triệu nhân viên y tế trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm hơn ¼ triệu nhân viên chăm sóc sức khoẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ HIV trong các cơ sở chăm sóc sức khoẻ. Kết quả là, 1.000 người có thể bị nhiễm HIV.

Làm gì khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV? - 1

Các nhân viên chăm sóc sức khoẻ có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như phơi nhiễm với máu người và dịch cơ thể, khiến họ có nguy cơ mắc các bệnh lây qua máu bao gồm siêu vi khuẩn gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV).

Sự tiếp xúc xảy ra thông qua chấn thương da (tiêm chích), vùng da nhạy cảm (máu hoặc các chất dịch cơ thể khác lọt vào mắt, mũi hoặc miệng) hoặc vết thương hở trên da.

Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh trong máu bao gồm số người mắc bệnh trong số bệnh nhân và số lần tiếp xúc với máu.

Ở các khu vực như điều phối, phòng cấp cứu và phòng thí nghiệm có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn.

Người làm sạch, người thu gom rác thải và những người khác có nhiệm vụ liên quan đến việc xử lý các vật bị nhiễm bẩn máu cũng có nguy cơ

Mỗi ngày, hàng ngàn nhân viên y tế trên toàn thế giới bị các tai nạn lao động khi chăm sóc bệnh nhân.

Những phơi nhiễm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ gây lo lắng đến mắc các bệnh mãn tính và tử vong sớm. Điều này tác động tiêu cực không chỉ đối với các nhân viên y tế mà còn cả gia đình và đồng nghiệp của họ.

Trong số 35 triệu nhân viên y tế trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm hơn 1/4 triệu nhân viên chăm sóc sức khoẻ tiếp xúc với nguy cơ HIV trong các cơ sở chăm sóc sức khoẻ. Kết quả là có 1.000 người có thể bị nhiễm HIV.

Phần lớn các phơi nhiễm và nhiễm trùng xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ hiện nhiễm các mầm bệnh trong máu ở dân cư nói chung cao và việc tiếp cận các thiết bị an toàn và thiết bị bảo vệ còn hạn chế.

Tuy nhiên, tương đối một tỷ lệ nhỏ các trường hợp từ các khu vực này được ghi nhận bởi vì giám sát có hệ thống rất khó thực hiện và duy trì trong các môi trường như vậy. Người ta ước tính rằng 4,4% (khoảng từ 0,8 đến 18,5%) của tất cả các trường hợp nhiễm HIV trong các nhân viên y tế là do tiếp xúc nghề nghiệp và ít nhất một nửa trong số các trường hợp này xảy ra ở vùng cận Sahara của Châu Phi.

Do đó, trong trường hợp gặp rủi ro (thao tác y tế, cứu hộ cứu nạn...), việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nhân viên y tế hoặc người thân hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Làm gì khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV? - 2

Quy trình xử lý được chia thành 2 bước như sau:

Xử lý vết thương tại chỗ:

Với tổn thương da chảy máu:

- Rửa ngay vết thương dưới vòi nước.

- Để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn.

- Rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.

Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi:

- Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9%

- Xúc miệng bằng nước NaCL 0,9% nhiều lần.

Về nguy cơ phơi nhiễm:

Nguy cơ cao:

- Tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều

- Máu và các dịch của người có H bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Nguy cơ thấp:

- Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít

- Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương , viêm lóet.

Không có nguy cơ: Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương.

* Điều trị phơi nhiễm bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV)

Đối với những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị. Với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV.

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng.

Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sĩ: ZDV 3TC hoặc d4T 3TC.

Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV thông qua các xét nghiệm: xét nghiệm công thức máu, đo chỉ số men gan ALT/SGPT lúc bắt đầu điều trị và sau khi điều trị được hai tuần, xét nghiệm đường máu.

Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.

Nhân Hà

Tổng hợp