Lạm dụng kháng sinh: Tai hoạ!

(Dân trí) - “Sách chữa bệnh nhan nhản khắp nơi, thuốc mua dễ như rau. Hễ hắt hơi xổ mũi lại tự kê cho mình đủ loại kháng sinh. Có người đưa con đi khám mà thấy bác sĩ không kê thuốc nặng lại áy náy không yên”.

Đó là nhận xét của TS Lý Ngọc Kính (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trước thực trạng sử dụng thuốc tràn lan, đặc biệt là kháng sinh trong điều trị hiện nay của người dân.

 

Vấn nạn sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan như hiện nay phải chăng do cơ chế quản lý việc bán thuốc quá lỏng lẻo còn trong công tác điều trị , bác  sĩ lại xính dùng kháng sinh?

 

Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định thuốc chỉ bán theo đơn của bác sĩ nhưng quả thật tình trạng mua bán thuốc dễ dãi như hiện nay đã khiến tình trạng lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh trở thành vấn nạn.

 

Thực tế cho thấy, người bệnh (đặc biệt là dân thành phố) sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau, nên đã dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, buộc bác sĩ phải kê sang loại khác nặng hơn.

 

Về phía bác sĩ, đúng là có hiện tượng lạm dụng kháng sinh nhóm cephalosporin. Ngoài ra, cũng có trường hợp bác sĩ “nể” bệnh nhân, trong khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại gì là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của người bệnh, họ vẫn chỉ định kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh.

 

Còn về phía bệnh nhân, do nhận được quá nhiều kênh thông tin liên quan đến sức khoẻ, đặc biệt là từ các loại sách hướng dẫn cách tự khám và chữa bệnh, nên không ít người cho rằng mình cũng có thể trở thành bác sĩ. Hễ cứ có một vài dấu hiệu như mô tả là “chẩn đoán” mình đã bị bệnh này, bệnh kia, rồi tự kê đơn theo hướng dẫn trong sách, ra hiệu thuốc mua về uống.

 

Nhiều người đâu có biết, cũng là cơn đau đầu nhưng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu đau cơ năng thì dùng thuốc chữa thông thường được nhưng nếu đau đầu do cao huyết áp hoặc những nguyên nhân khác mà dùng thuốc đó thì rất nguy hiểm. Đối với cảm cúm do vi rút thì có dùng bao nhiêu kháng sinh cũng không thể khỏi mà ngược lại chỉ làm cơ thể thêm kiệt quệ.

 

Vấn đề quảng cáo, tiếp thị nhằm tiêu thụ kháng sinh của các công ty dược cũng khiến tình trạng lạm dụng thuốc gia tăng trong bệnh viện và cơ sở bán thuốc.

 

Bên cạnh đó, lạm dụng kháng sinh trong vật nuôi, thuỷ hải sản cũng gián tiếp gây ra hiện tượng tích tụ kháng sinh ở người.

 

Và hậu quả của việc sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh bừa bãi là…?

 

Thuốc điều trị, kháng sinh thậm chí cả thuốc bổ cũng đều là hoá chất. Thuốc bổ nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc. Lạm dụng kháng sinh còn tệ hại hơn nhiều: thứ nhất sẽ dẫn đến hậu quả là người bệnh nhờn với tất cả các loại kháng sinh. Chủng kháng sinh nhờn thuốc đó sẽ lan rộng ra khắp cộng đồng, đến lúc ấy thì bệnh không nặng cũng trở thành vô phương cứu chữa - đó là thảm hoạ.

 

Thứ hai, sử dụng thuốc bữa bãi có thể gây rối loạn gien dẫn đến bệnh ung thư. Nguy cơ dễ xảy ra nhất là phản ứng với thuốc nếu người bệnh không được khám và điều tra về tiền sử dùng thuốc.

 

Uống thuốc bừa bãi cũng gây ra suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều, dị tật ở thai nhi trong quá trình người mẹ mang thai… Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.

 

Dù Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh, nhưng tình trạng sử dụng thuốc không đúng quy định vẫn mức báo động. Đã có biện pháp gì mới để ngăn chặn tình trạng này, thưa TS?

 

Theo thống kê, ở nước ta tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn vẫn cao nhất nên vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh hết sức quan trọng. Bộ vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình Cung cấp Tài liệu sử dụng thuốc hợp lý trong điều trịSử dụng thuốc hợp lý trong chăm sóc người bệnh (chương trình hợp tác Việt Nam- Thuỵ Điển) đến các bệnh viện trên toàn quốc và các cơ sở đào tạo cán bộ y tế nhằm trang bị kiến thức cần thiết. Tuy nhiên, khó mà có thể đạt được 100% theo yêu cầu. Vậy nên đâu đó vẫn diễn ra tình trạng sử dụng thuốc chữa hợp lý nhưng tôi tin đó không phải là số nhiều.

 

Hiện nay, Hội đồng thuốc và điều trị cũng đã tăng cường giám sát kê đơn hợp lý (trong đó có giám sát sử dụng kháng sinh) thông quan phân tích sử dụng thuốc trong các ca lâm sàng hàng tháng tại khoa điều trị.

 

Bộ Y tế cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, tránh nguy cơ tồn dư lượng kháng sinh cao trong thực phẩm.

 

Dù vậy, muốn cải thiện tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi hiện nay thì điều quan trọng nhất chính là nhận thức từ cộng đồng.

 

Lời khuyên cụ thể của TS trong việc khám chữa bệnh và sử dụng thuốc đối với người dân?

 

Tình trạng tự mua thuốc chữa bệnh mà không cần kê đơn của bác sĩ hiện nay khá phổ biến, nó có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, lạm dụng thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của các cháu. Chính vì vậy, việc đi khám và chẩn đoán bệnh ở các cơ sở y tế chuyên môn là rất cần thiết. Với cùng một triệu chứng nhưng chưa chắc đã đúng là một loại bệnh hay cùng một loại thuốc.

 

Khảo sát gần đây cho thấy, những loại bệnh liên quan đến hô hấp thường dễ bị nhờn thuốc nhất do nhiều người có thói quen tự mua kháng sinh về uống.

 

Ngại đến bệnh viện khám nên xin đơn thuốc của người khác để dùng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh tật của nhiều người càng trở nên trầm trọng và gây khó khăn trong công tác điều trị.

 

Cần lưu ý, sách Y khoa chỉ dùng để tham khảo giúp con người nắm bắt được triệu chứng bệnh và hiểu về sự nguy hiểm của bệnh chứ không thể áp dụng cụ thể đối với người bệnh.

 

Xin cảm ơn TS!

 

Phạm Thanh (thực hiện)