Quảng Ngãi

Ký ức bi thương trạm phẫu thuật tiền phương A100 năm xưa

(Dân trí) - Bùm… bùm… 66 bác sĩ, y tá, hộ lý và thương bệnh binh bị chôn vùi dưới địa đạo Đám Toái (căn cứ trạm phẫu thuật tiền phương A100) vào rạng sáng ngày 9/9/1965, khi quân Mỹ đổ quân càn quét và nhộm mầu máu đỏ đau thương.

Trở lại thôn Phú Quý (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cận ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), hương khói bao trùm địa đạo Đám Toái như lời tri ân linh hồn những người lính cách mạng đã nằm xuống nơi đây, đặc biệt là những bác sĩ, y tá và hộ lý.
Ký ức bi thương trạm phẫu thuật tiền phương A100 năm xưa

Đường vào địa đạo Đám Toái vắng lặng người, từng nơi trú ẩn của thương bệnh binh và trạm phẫu thuật tiền phương năm A100 năm xưa.

Hồi ức ngày định mệnh

Kết thúc cuộc chiến chống Pháp (1945 – 1954), nhân dân địa phương đã hình thành những con đường, nơi tránh bom và trú ẩn ở địa đạo Đám Toái, kết nối với các địa đạo thuộc thôn Châu Thuận Biển, thôn An Hải hình thành hệ thống địa đạo liên hoàn dài gần 4km, chạy dọc vùng đồi thấp ven biển xã Bình Châu.

Sau chiến thắng vang dội của quân Giải phóng ở Ba Gia (huyện Sơn Tịnh) vào tháng 5/1965, lực lượng của ta liên tục tấn công quân Mỹ từ các hướng, gây áp đảo và hoang mang quân địch, tạo nên vành đai diệt Mỹ bao vây khu vực phía Nam của căn cứ Chu Lai.

Lo sợ ta tiêu diệt, quân đội Mỹ cùng với lính Nam Triều Tiên và quân Sài Gòn thiết lập nhiều đồn bốt, tăng cường hỏa lực, liên tục đánh phá, phong tỏa các đường liên lạc giữa trận địa đồng bằng và căn cứ miền núi. 

Để đối phó với âm mưu của đối phương, đảm bảo việc chữa trị kịp thời cho thương bệnh binh trên chiến trường Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Quân khu V và BCH Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đưa trạm phẫu thuật tiền phương (gọi tắt là A100) về đóng tại thôn Phú Quý (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), đặt trong lòng địa đạo Đám Toái và cải tạo cho phù hợp nơi chữa trị cho thương binh.

Với bệnh viện dã chiến vững chắc dưới lòng đất, quân ta tiếp tục đánh trận Vạn Tường vào tháng 8/1965), quân đội Mỹ điên cuồng liên tiếp bắn hỏa lực, dùng trực thăng càn quét khu vực lân cận căn cứ Chu Lai về hướng Đông Nam thuộc tỉnh Quảng Nam và Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi.

Vào rạng sáng ngày 9/9/1965, quân đội Mỹ dồn quân tổng lực truy quét từ căn cứ Chu Lai đến vùng biển thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). Đến khu vực địa đạo Đám Toái, chúng phát hiện đồng chí Thái Văn Còn (gọi là Lâm, SN 1930, quê ở xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ) – y sĩ quân y trạm A100 và nữ y tá Lệ nằm vị trí cách miệng hầm trạm phẫu thuật tiền phương A100 khoảng 30m.

Ngay sau khi bị bắt, quân Mỹ dùng vũ lực ép khai hầm trú ẩn của ta nhưng y sĩ Lâm và y tá Lệ nhất quyết không khai. Chúng trói lại cùng khối thuốc nổ lớn, rồi cho nổ tung ngay miệng hầm khiến toàn thân anh Lâm và chị Lệ chia thành nhiều mảnh vụn, rơi vãi khắp nơi.

Nghi quanh khu vực có địa đạo, quân lính Mỹ tiếp tục lùng sục từng tấc đất và phát hiện một miệng hầm địa đạo. Chúng huy động trực thăng tăng cường mìn, thuốc nổ đẩy xuống miệng hầm, với mục tiêu đánh sập địa đạo. Khói thuốc mìn làm lộ 2 lỗ thông hơi, quân Mỹ lấy mìn đánh sập địa đạo Đám Toái và chôn vùi tất cả bác sĩ, y tá, hộ lý cùng thương bệnh binh đang điều trị ở trạm phẫu thuật tiền phương A100.

Qua truy tìm nguồn gốc 66 liệt sĩ hi sinh thuộc trạm phẫu thuật tiền phương A100, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh và BCH Quân sự tỉnh Quảng Ngãi xác định chiến sĩ quân y và thương bệnh binh thuộc lực lượng của Trung đoàn I (Trung đoàn Ba Gia - Quân khu V), Tiểu đoàn 48 và Đại đội 21 của tỉnh Quảng Ngãi.
Bước sang tuổi 85 những ông Phan Tích vẫn nhớ như in từng góc ngách và ký ức về địa đạo Đám Toái.

Bước sang tuổi 85 những ông Phan Tích vẫn nhớ như in từng góc ngách và ký ức về địa đạo Đám Toái.

Tâm sự cùng Dân trí, ông Phạm Tích (84 tuổi, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) – người tham gia đào địa đạo Đám Toái, nhớ lại: “Hồi đó, cận kề với cái chết nay mai thôi. Khi thực hiện đào địa đạo làm nơi trú ẩn và chữa bệnh cho thương binh, từ thiếu niên đến người già, ai có sức là tham gia rất hăng hái. Để đào nhanh chóng, chúng tôi chưa làm 3 nhóm, mỗi nhóm đào 12 giờ đồng hồ và số người tham gia lên đến hàng trăm nhân khẩu…”.

“…Nghĩ lại ngày các anh, chị bị quân địch chôn vùi, đầu óc tôi vẫn còn vang vọng tiếng cười khúc khích, những câu chuyện tình và giọng nói mọi người”, đôi mắt ông Tích dần đỏ hoe và hít thật sâu. Ông tiếp tục câu chuyện: “Đêm trước đó, mọi người cùng trò chuyện đời tư của nhau, rồi ăn mừng trận thắng Vạn Tường, họ hẹn hò nhau và lên kế hoạch tương lai khi kết thúc chiến tranh. Thế mà ngày hôm sau, tôi chỉ biết nuốt nước mắt khi hay tin cả trạm tiểu phẫu bị nổ tung và chôn vùi dưới địa đạo Đám Toái vững chắc”.

Tri ân hương hồn chiến sĩ quân y

Trong ngày bị quân Mỹ đánh sập địa đạo Đám Toái, khi quân Mỹ rút lui, người dân địa phương đào lên và tìm được 5 thi thể. Do trải qua thời chiến ác liệt và nằm ở địa lý heo hút, 61 chiến sĩ quân y còn lại vẫn nằm đó mãi đến năm 1997, được Sở LĐTB-XH cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai quật và đưa 66 di hài an táng gần đó sau khi được Bộ VHTT-DL công nhận địa đạo Đám Toái là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 30/12/1991.

Sau khi khai quật, tỉnh Quảng Ngãi mời các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu và nhiều nhân chứng tham gia phục dựng lại địa đạo Đám Toái cùng với vật dụng, thiết bị ngành y để khắc ghi lịch sử đến thế hệ mai sau.
Ngành y tế dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại tượng đài địa đạo Đám Toái vào đầu năm Ất Mùi 2015.

Ngành y tế dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại tượng đài địa đạo Đám Toái vào đầu năm Ất Mùi 2015.

Tri ân sự hi sinh đó, đầu năm Ất Mùi 2015, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cùng đoàn viên thanh niên đến địa đạo Đám Toái dâng hương, tưởng nhớ những liệt sĩ quên mình cùng màu áo blouse trắng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh bày tỏ: “Thông qua chuyến đi này, chúng tôi mong muốn thế hệ bác sĩ trẻ hun đúc tinh thần, ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt trách nhiệm của một thầy thuốc. Trên hết, giáo dục bác sĩ trẻ coi nghiệp lương y như từ mẫu ở bất kể cương vị nào”.

Trong ngày 24/2 (mùng 6 năm Ất Mùi 2015), Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của ngành y tế tại Nghĩa trang liệt sĩ địa đạo Đám Toái; Trạm xá T30 (xã Trà Tân, huyện Trà Bồng) và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2015).

Hồng Long