Kinh hoàng vô cớ: Một dạng tâm thần

Cơn hoảng sợ là tình trạng lo âu sợ hãi cấp tính với mức độ kinh hoàng cực điểm, thường xuất hiện đột ngột và diễn ra trong thời gian từ vài phút đến 1/4 giờ (đôi khi có thể kéo dài trên dưới 1 giờ) mà thực tế không có mối đe dọa nào.

 Mắc bệnh khác người

 

Chị N. Linh, trưởng phòng Tài vụ của khu công nghiệp Elec, Sài Đồng (Hà Nội) làm cho nhiều người ngạc nhiên vì chế độ làm việc rất khác người. Nhà ở trong thành phố nhưng chị đi làm rất sớm, thường 7h00 sáng chị đã mở cửa văn phòng. Những ai muốn giao dịch tài chính nhanh chóng, thuận lợi cứ phải "căn" giờ theo lịch của chị sẽ rất được việc.

 

Chiều xuống, nhất là vào mùa đông khi mới 4 giờ trời đã ngả màu u ám, chị N. Linh "khóa" mọi tài khoản và chỉ giao dịch bằng... mồm, kể cả chứng từ chị cũng rất ít khi giao cũng như nhận và muộn thêm chút nữa là chị sấp ngửa phóng xe thật nhanh về nhà. Mãi sau này, bác sĩ của khu liên doanh cho hay, chị N. Linh mắc phải căn bệnh lạ, cứ chiều tà là hay lo lắng và sợ xảy ra những điều nghiêm trọng nào đó.

 

Nghề xe "ôm" ai cũng thừa nhận là lao động vất vả, lắm rủi ro. Vào những ngày hè nóng bức lại càng khổ hơn. Thường tầm từ 1 - 3 giờ chiều các bác xe "ôm" tạm nghỉ để tránh nắng, sau đó làm bù cho tới tận khuya. Nhưng bác Thông thì ngược lại, kể cả trưa nắng như rang khô hè phố, bác vẫn đứng đợi khách. Cả một khoảng không gian rộng bao la trước cửa Cung văn hóa của thành phố nhiều khi chỉ có mình bác với tiếng ve sầu kêu ra rả. Ấy thế nhưng tầm 5, 6 giờ chiều khi cánh xe "ôm" rầm rập đổ ra các góc đường thì bác Thông lại đánh xe về nhà.

 

Hỏi, bác bảo: "Chập tối, đói thì chịu chứ tôi không đi khách tầm đó!". Sau này, các đồng nghiệp của bác cũng giải thích, cứ nhập nhoạng tối là ông ấy có đủ các mối lo sợ mơ hồ, động viên thế nào cũng chẳng lại, khách cần đi nài nỉ cũng không nghe.

 

Vì cơn hoảng sợ xảy ra trong thời gian ngắn nên bệnh nhân lại thường đến khám lúc không có cơn, có khi trên đường đưa bệnh nhân đến nơi cấp cứu thì cơn đã hết. Do đó, các xét nghiệm thăm dò chức năng như điện tâm đồ, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp Xquang... thường cho kết quả gần như bình thường, đôi khi chỉ thấy nhịp tim hơi nhanh, huyết áp không ổn định...

 

Cơn hoảng sợ lặp đi lặp lại 1 tháng vài lần hoặc 2 - 3 tháng 1 lần tùy theo từng bệnh nhân. Nhưng do cơn thường xảy đột ngột, không có dấu hiệu báo trước nên bệnh nhân luôn lo sợ cơn tiếp theo xảy ra. Điều này khiến họ luôn trong tình trạng căng thẳng sợ hãi, nhưng đôi khi tình trạng lo sợ này lại không xuất hiện, khi bệnh nhân đối đầu với nguy hiểm thật sự.

 

Người mang căn bệnh này ít khi dám ra khỏi nhà, thậm chí ở trong phòng một mình, đặc biệt khi trời tối vì không tin vào bất kỳ thứ gì đang ở chung quanh hay phía trước mặt. Họ thường ngại đến chỗ đông người như hội họp, đám cưới, đám ma vì nơi này ồn ào, ngột ngạt dễ tạo điều kiện khiến căn bệnh xảy ra.

 

Một số người có ám ảnh sợ chỗ bị đóng kín như: rạp hát, xe buýt, thang máy... vì lo lúc cơn hoảng sợ xảy ra không có đường thoát. Có bệnh nhân đi đâu cũng mang thuốc an thần theo người. Tất cả những điều trên cản trở sinh hoạt, công việc của bệnh nhân, làm cho họ trở nên lệ thuộc, thiếu tự tin. Có trường hợp rối loạn nặng đến mức gây tàn phế, mất khả năng lao động.

 

Nguyên tắc điều trị

 

Người mắc cơn hoảng sợ cần được chẩn đoán nhanh, phân biệt với các bệnh: nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, cường tuyến giáp, động kinh thực vật, cơn têtani do hạ canxi huyết, loạn thần kinh Hysterie, hội chứng cai ma túy... Bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để không trở thành mãn tính.

 

Trong cơn hoảng sợ, nên cho dùng thuốc giải lo âu, an ủi động viên bệnh nhân. Điều trị phòng ngừa cơn bằng cách dùng thuốc chống trầm cảm (tối thiểu là 6 tháng), áp dụng liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình, thư giãn luyện tập, tập thở... Đối với những người mắc căn bệnh nặng, thường xuyên phải có người ở bên cạnh. Đơn giản, chỉ riêng việc để bệnh nhân ở một mình tại những nơi quá yên tĩnh, u uất, thiếu ánh sáng v,v... cũng là nguyên nhân khiến bệnh xuất hiện và tăng đột ngột.

 

Trong cuộc sống, những cơn hoảng sợ thường xảy ra cho người ở lứa tuổi 20 - 40. Ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở nước ngoài cũng chỉ ra rằng, cảm giác này hay xảy ra với một số người, trong đó có nhiều bệnh nhân do công việc ngồi lâu trong các văn phòng tại các tòa cao ốc hay môi trường làm việc sử dụng quá nhiều máy vi tính... họ thường có những lo lắng, ám ảnh vô cớ.

 

Cơn hoảng sợ thường xuất hiện đột ngột, diễn ra trong một thời gian ngắn (từ vài phút đến 15 phút, đôi khi có thể kéo dài trên dưới 1 giờ). Người mắc căn bệnh này, có nhiều biểu hiện tâm thần cơ thể như: sợ hãi kinh hoàng, tim đập liên hồi, ngực như bị đè ép, khó thở, hụt hơi, chân tay tê  buồn, da tái vã mồ hôi, lúc nóng bừng, khi lạnh toát, lạnh bụng... Chính vì các triệu chứng của cơn hoảng sợ đa dạng như vậy nhưng thường bệnh nhân hay đến khám ở các chuyên khoa như: tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu... mà không đến thẳng chuyên khoa tâm thần.

 

Theo Q. Hùng  

Thế giới đàn ông