Kinh hoàng bàn tay hoại tử tím đen của bé trai do đắp thuốc lá và đậu lào chữa rắn cắn

(Dân trí) - Bị rắn độc cắn, thay vì đưa con đến viện, gia đình đình bệnh nhi đã dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn. Hậu quả sau khi đắp lá, bàn tay trái của trẻ bị hoại tử và lan rộng.

BS Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi T.K.V (10 tuổi, ở Bắc Cạn) được đưa vào viện hôm 10/8, trong tình trạng bị hoại tử rộng mu bàn tay trái và vết hoại tử lan rộng ra vùng cổ tay, cánh tay. Ngoài ra, cơ ngực lớn trái của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trước đó 18 giờ bé bị rắn độc cắn.

Kinh hoàng bàn tay hoại tử tím đen của bé trai do đắp thuốc lá và đậu lào chữa rắn cắn - Ảnh 1.

Bàn tay trái của bệnh nhi bị hoại tử tím đen, sưng nề. Ảnh: M.T

Người nhà bệnh nhi cho biết, khi bé đang đi chăn bò trên đồi với bố thì bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái. Sau khi bị rắn cắn, thay vì đưa con tới bệnh viện, gia đình lại dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ, trẻ xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa trẻ đến BVĐK Bắc Cạn, sau đó chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhi đã được hội chẩn với các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, rồi nhanh chóng được chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất.

"Tuy nhiên, do bệnh nhân đến muộn khi vết hoại tử đã sưng nề, phát triển lan rộng nên dù có dấu hiệu hồi phục, quá trình điều trị cho bệnh nhân còn rất nan giải. Dự kiến sau điều trị bệnh nhân sẽ được chuyển đến bệnh viện Bỏng quốc gia để xử trí vết thương và hoại tử tại chỗ", BS Nam cho biết.

BS Nam cũng cảnh báo tình trạng bệnh nhân bị rắn cắn đang có dấu hiệu gia tăng bởi miền Bắc đang là mùa mưa, mùa sinh sôi phát triển của rắn.

Kinh hoàng bàn tay hoại tử tím đen của bé trai do đắp thuốc lá và đậu lào chữa rắn cắn - Ảnh 2.

BS Nguyễn Thành Nam thăm khám cho bệnh nhi bị rắn cắn. Ảnh: M.T

Trong một tháng qua, tuần nào khoa Nhi cũng tiếp nhận 1- 3 ca rắn cắn nhập viện. Đáng nói, có rất nhiều bệnh nhân đến BV Bạch Mai trong tình trạng muộn, khi xuất hiện tình trạng sưng nề, hoại tử lan rộng. Có những bệnh nhân rắn cắn ở vùng mắt cá chân, ngón chân nhưng khi bệnh nhân sưng nề đến đùi hoặc gối mới đến viện. Cũng có những bệnh nhân đến viện trong tình trạng suy hô hấp sau khi bị rắn cắn.

Trong các ca rắn cắn nhập viện, BS Nam lưu ý nhiều trường hợp gia đình sai lầm trong sơ cứu dẫn đến tình trạng rắn cắn nặng nề hơn.

"Khi bị rắn cắn, thay vì sơ cứu và đưa đến viện sớm, người dân lại tốn thời gian áp dụng các kinh nghiệm dân gian, như hút nọc độc (bằng cách rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn); Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… mà mất đi thời gian vàng để đưa trẻ tới viện. Nếu đến viện sớm, xác định được loại rắn cắn, việc kịp thời dùng huyết thanh kháng nọc rắn sẽ khống chế được bệnh nhanh và hiệu quả hơn", BS Nam cho biết.

BS Nam khuyến cáo, ngay sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.

Theo đó, nếu bị rắn cắn, hãy nhanh chóng sơ cứu cho người bệnh bằng cách động viên tinh thần người bệnh; không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

Có thể băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trong trường hợp bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Hồng Hải