Hà Nội:

Không xây dựng bệnh viện Trung ương trong nội thành

(Dân trí) - Trong trung tâm TP sẽ không xây dựng mới bệnh viện tuyến Trung ương. Nằm ở ngoại thành, các bệnh viện tuyến này cũng phải cách nội đô bán kính từ 25 đến 30 km2.

Không xây dựng bệnh viện Trung ương trong nội thành - 1
Các bệnh viện có quy mô nhỏ, không có điều kiện mở rộng sẽ được dành quỹ đất để xây dựng cơ sở 2
 
Đó là dự kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội trong cuộc họp với UBND TP và các Bộ, ngành liên quan đến kế hoạch di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra ngoài Trung tâm.
 
Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Vũ Tuấn Định, TP dự kiến dành khoảng 600 ha ở khu vực ngoại thành để xây dựng 5 tổ hợp công trình y tế đa chức năng như: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược và trang thiết bị y tế… để phục vụ kế hoạch di dời các bệnh viện ra khỏi nội thành.
 
Theo đó, tại khu vực Gia Lâm - Long Biên có khoảng 50 ha, Hoà Lạc khoảng 200 ha, Sóc Sơn khoảng 100 ha, Phú Xuyên khoảng 200 ha, Sơn Tây 50 ha.
 
Ông Định cho biết, TP sẽ di dời hoặc chuyển đổi chức năng các bệnh viện truyền nhiễm, nằm trong khu vực mật độ dân cư quá dày đặc; bệnh viên có lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý; bệnh viện đa khoa có khoa lây không đủ điều kiện cách ly theo quy định.
 
Đối với bệnh viện nằm trong khu hạn chế phát triển, gây quá tải về hạ tầng hoặc quy mô quá nhỏ, không có điều kiện mở rộng và cải tạo để đáp ứng chỉ tiêu và quy mô giường bệnh… sẽ được bố trí xây dựng cơ sở 2 ở ngoại thành.
 
Theo kế hoạch khu vực trung tâm TP sẽ không xây dựng mới bệnh viện tuyến Trung ương. Nằm ở ngoại thành các bệnh viện tuyến này cũng phải cách nội đô trong bán kính từ 25 đến 30 km2 và xây dựng tại các khu vực đầu mối giao thông kết nối thuận lợi với trung tâm cũng như các tỉnh lân cận.
 
Còn các bệnh viện trực thuộc TP khi xây dựng mới phải gắn kết theo phân bố không gian bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến quận, huyện, thị xã nhằm thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến và đảm bảo phục vụ thuận lợi cho nhân dân.
 
Ông Định cho biết, diện tích bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện ngành sau khi di chuyển sẽ dành cho các cơ sở y tế của TP, y tế cấp cơ sở. Trong khu vực vành đai 2 sẽ ưu tiên cho các công trình hạ tầng xã hội còn thiếu như trường học, cây xanh, cơ sở y tế có cấp phục vụ nhỏ hơn còn thiếu (không lây nhiễm) phục vụ địa phương.
 
Trong cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch di dời các bệnh viện không đạt tiêu chuẩn ra ngoại thành.
 
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện K được đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng ở Tân Triều, Thanh Trì dự kiến cuối năm sẽ đưa vào sử dụng 1 số hạng mục nhưng đến nay nguồn điện, nước sạch vẫn chưa được cung cấp. Bệnh viện Nội tiết ở Tứ Hiệp, Gia Lâm cũng trong tình cảnh tương tự.
 
Để đáp ứng tốc độ phát triển của hệ thống giao dục và giảm tải cho giao thông nội đô trong thời gian tới sẽ có hàng loạt các trường đại học, cao đẳng phải di dời ra ngoài trung tâm.
 
Dự kiến TP dành hơn 3.000 ha ở các khu vực Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Chúc Sơn cho việc xây dựng mới hoặc thành lập cơ sở 2 của các trường đại học, cao đẳng.
 
Theo ông Định trong kế hoạch TP đưa ra 3 nhóm giải pháp đó là giữ lại, di chuyển một phần hoặc di chuyển toàn bộ các trường đại học, cao đẳng. Đối với các trường được giữ lại sẽ phải cải tạo, điều chỉnh lại chức năng và quy hoạch kiến trúc cho phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị.
 
Với các trường di chuyển một phần, cơ sở trong nội đô phải được nâng cấp hoặc chuyển đổi mục đích 1 phần sang các mục đích đô thị khác. Đối với các trường di chuyển toàn bộ cơ sở đào tạo ra ngoại thành, diện tích còn lại sẽ được chuyển đổi thành công viên, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ.
 
Quang Phong