Không thể ‘soi’ thuốc an thần trong thịt heo

Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch thẩm định năng lực của một số đơn vị có thể xét nghiệm thuốc an thần trong thịt để chỉ định thực hiện.

“Trước đây mỗi khi xách giỏ đi chợ tôi ghé quầy thịt heo mua độ 1 kg về kho với trứng cho cả nhà dùng. Tuy nhiên, từ khi có vụ heo bị tiêm thuốc an thần thì tôi và con cái lại không mạnh miệng khi ăn thịt này” - bà Hương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Sợ thịt heo, chuyển sang gà, cá

Tương tự, mâm cơm hằng ngày của gia đình ông Thành (huyện Hóc Môn, TP.HCM) trước đây luôn có thịt heo kho hoặc xào với đậu cô ve. “Tôi chuyển qua ăn cá, thịt gà từ khi biết được heo bị tiêm thuốc an thần. Sau vụ việc này, mặc dù cơ quan chức năng TP.HCM quản lý chặt nhưng tôi vẫn sợ thịt heo có thuốc an thần “lọt lưới” và được bán ngoài chợ” - ông Thành bày tỏ.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM), cho biết mặc dù không ít người ngại ăn thịt heo do sợ có thuốc an thần nhưng số này không nhiều. “Điển hình là lượng thịt heo đưa vô chợ đầu mối Hóc Môn luôn trên 5.000 con, bằng với thời điểm chưa xảy ra vụ tiêm thuốc an thần. Giá cả cũng không biến động nhiều” - ông Tiển nói.

Theo ông Tiển, do cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) tạm đóng cửa nên thịt heo đưa vô chợ đầu mối Hóc Môn đa phần từ tỉnh Long An. Số còn lại từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và TP.HCM.

Không thể ‘soi’ thuốc an thần trong thịt heo - 1

Nhân viên Ban Quản lý ATTP TP.HCM đang kiểm tra thịt heo đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bỏ ngỏ kiểm tra thuốc an thần

Liên quan đến việc kiểm tra thịt heo từ các tỉnh đưa vào TP.HCM, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thịt heo từ các tỉnh trước khi đưa vô chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (quận 8) phải qua bốn trạm kiểm dịch cửa ngõ (An Lạc, Thủ Đức, Hóc Môn và Xuân Hiệp) của Chi cục Thú y TP.HCM. “Tuy nhiên, cơ quan thú y chỉ có thể kiểm tra bằng cảm quan nên không thể phát hiện thịt heo có chứa tồn dư thuốc an thần hay không” - ông Nguyên nói.

Đừng quá lo lắng khi ăn thịt heo

Sau khi xác định 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đề xuất tiêu hủy toàn bộ. Việc tiêu hủy nhằm răn đe hành vi tiêm thuốc an thần cho heo chứ không liên quan đến tác hại do thuốc an thần gây ra. Bởi lẽ sức khỏe chỉ bị ảnh hưởng khi thường xuyên ăn thịt heo có chứa thuốc an thần. Do vậy, hiện tại người tiêu dùng đừng quá lo lắng và an tâm sử dụng thịt heo.

PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Liên quan đến 70 con heo có nguồn gốc từ Bà Rịa-Vũng Tàu bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào một cơ sở ở TP.HCM để giết mổ vào ngày 10-10 vừa qua, Chi cục Thú y TP.HCM đã có văn bản đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra, xác minh vụ việc.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM

Sau khi qua bốn “cửa ải” của Chi cục Thú y TP.HCM, thịt heo được đưa vô hai chợ đầu mối để phân phối các nơi. “Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM chịu trách nhiệm khi thịt đưa vô chợ đầu mối. Thế nhưng ban chỉ có thể kiểm tra thịt heo thông qua giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y các tỉnh. Ban không thể kiểm tra tồn dư thuốc an thần trong thịt heo bởi hiện chưa có dụng cụ test (xét nghiệm) nhanh thuốc này.

Bên cạnh đó, hiện nay Bộ NN&PTNT cũng chưa chỉ định đơn vị thực hiện xét nghiệm thuốc an thần trong thịt heo” - bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, cho biết bộ này đang có kế hoạch thẩm định năng lực của một số đơn vị có thể xét nghiệm thuốc an thần trong thịt để chỉ định thực hiện. Có như thế mới đủ cơ sở pháp lý để xử phạt cá nhân kinh doanh thịt heo có thuốc an thần. “Bộ NN&PTNT cũng đã ra văn bản yêu cầu các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp tiêm thuốc an thần cho heo” - ông Dũng nói.

Năm 2018, TP.HCM có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp

Ngày 25-4-2016, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 2032 phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng tới năm 2025”. Theo đó, tất cả cơ sở giết mổ heo thủ công phải chấm dứt hoạt động, ngoại trừ hai cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của huyện.

Một lãnh đạo của Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết thêm đến cuối năm 2017 TP sẽ đưa vào hoạt động năm cơ sở giết mổ heo công nghiệp. Bao gồm cơ sở của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, cơ sở của HTX Tân Hiệp, cơ sở của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, cơ sở Xuyên Á của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (đã hoạt động và đang bị đình chỉ do vụ heo bị tiêm thuốc an thần) và cơ sở của Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An.

Vị này còn nhận định với tiến độ xây dựng hiện nay, nhiều khả năng các cơ sở giết mổ nói trên sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2018.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM