Nam Định:

Không thể có chuyện bệnh viện cắt được thận trong lúc mổ đẻ!

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên với PV Dân trí trước băn khoăn của sản phụ Hà sau gần 10 năm phát hiện mình chỉ có 1 quả thận trong 2 lần siêu âm.

Sau mổ đẻ phát hiện mình chỉ có một quả thận?

Theo trình bày của gia đình chị Bùi Thị Hà (SN 1978), trú tại thôn 3, xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, vào ngày 1/9/2006 chị đang mang thai cháu bé thứ 2, do đã quá ngày mà vẫn không thấy sinh nên gia đình lo lắng đưa chị lên bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên để kiểm tra. Qua chẩn đoán, các bác sỹ cho biết nước ối đã cạn, cần phải phẫu thuật ngay.

chị Bùi Thị Hà, người thắc mắc về việc sau mổ đẻ phát hiện mình chỉ có một quả thận
chị Bùi Thị Hà, người thắc mắc về việc sau mổ đẻ phát hiện mình chỉ có một quả thận

Sau khi phẫu thuật thành công “mẹ tròn, con vuông”, khoảng 5 tháng sau chị Hà cảm thấy đau bụng nên đi siêu âm. Quá trình siêu âm các bác sỹ cho biết không tìm thấy quả thận bên phải, nhưng thấy sức khỏe mình vẫn tốt, hơn nữa chị vẫn sinh thêm đứa thứ 3 khá khỏe mạnh nên chị Hà và gia đình cũng không mấy bận tâm.

Tuy nhiên, mới đây lúc chị Hà đi siêu âm thai nhi đứa con thứ 4 ở phòng khám tư thì nhận được kết luận chị Hà thiếu mất một quả thận ở bên phải. Bác sỹ siêu âm cho chị Hà cho biết có hai khả năng dẫn đến việc chị Hà thiếu một bên thận, một là bị cắt mất, hai là do thiếu bẩm sinh.

Khi nghe thấy kết luận quả thận bên phải không có, có thể là do bị cắt mất nên chị Hà khá sốc, vì từ trước đến nay chị chỉ phẫu thuật đúng một lần đó là lần mổ đẻ vào năm 2006 ở bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên. Nên trong đầu chị Hà nghĩ khá tiêu cực về việc mình bị “cắt trộm thận”.

Vết mổ duy nhất trên cơ thể của chị Hà
Vết mổ duy nhất trên cơ thể của chị Hà

Chị Hà cho biết: “Lúc mang thai đứa con đầu lòng vào năm 2001, tôi đi siêu âm rất nhiều lần nhưng không thấy bác sỹ nào nói là tôi thiếu thận cả. Sau khi mổ đẻ ở bệnh viện huyện Ý Yên, tôi mới đi siêu âm thì mới biết thiếu một bên thận. Cũng chẳng biết lý do như thế nào nữa…”.

Nói về việc khi phát hiện mình thiếu một quả thận bên phải lúc mổ đẻ sau 5 tháng không đi báo với bệnh viện, chị Hà cho biết: “Lúc đấy tôi thấy bình thường, không có vấn đề gì, với lại hiểu biết cũng kém nên chả biết làm như thế nào cho đúng”.

“Do chưa biết nguyên nhân là vì đâu mà tôi thiếu mất một bên thận nên tôi muốn tìm hiểu rõ. Nếu tôi bị cắt mất thận lúc mổ đẻ thì người làm việc này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu tôi biết mình bị dị tật bẩm sinh thì cũng đỡ phải suy nghĩ này nọ…”, chị Hà cho hay.

Không thể có chuyện bệnh viện cắt được thận trong lúc mổ đẻ!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên, trong buổi làm việc với PV Dân trí. Ông Hiệp khẳng định: “Thời điểm mổ đẻ cho chị Hà là vào năm 2006, thời điểm này các bác sỹ ở bệnh viện không đủ trình độ chuyên môn, cũng như thiết bị khoa học kỹ thuật để làm việc này. Kể cả thời điểm này bệnh viện cũng không thể nào làm được việc này. Hơn nữa, trong lúc mổ đẻ không thể nào tiếp cận được quả thận ở hố thận bên phải bằng đường mổ đẻ, huống hồ là cắt được thận trong lúc này. Điều này là không tưởng!”.

Cũng theo ông Hiệp cho biết, ngày 21/12, ông khá bất ngờ trước việc chị Hà đến phản ánh về thông tin này. Tuy nhiên, đây là quyền lợi và đòi hỏi chính đáng của người dân nên ông đã dẫn chị Hà đi siêu âm, kết quả đúng là chị Hà thiếu một quả thận bên phải, ông Hiệp cũng cho biết trên người chị Hà chỉ duy nhất có một vết mổ dọc ở bụng dưới, chứ không có vết mổ ở mạng sườn phải.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên

Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ Đỗ Văn Lưu, Trưởng khoa sản bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên, người trực tiếp mổ đẻ cho chị Hà vào năm 2006 cho biết: “Sau khi kiểm tra chẩn đoán thì chúng tôi thấy sản phụ bị cạn ối nên buộc phải mổ để lấy thai nhi ra. Quá trình kiểm tra, mổ đẻ chúng tôi cũng phát hiện sản phụ này bị tử cung đôi. Lúc đấy chúng tôi chỉ làm đúng chuyên môn mổ lấy thai nhi và đóng vết mổ lại. Thời điểm này chúng tôi vẫn mổ đẻ đường dọc phần bụng dưới, chứ không phải mổ ngang như bây giờ…”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên cũng cho biết: “Trong hồ sơ bệnh án của chị Hà vẫn còn lưu thì tử cung chị Hà là tử cung đôi, những người tử cung đôi thường kèm theo dị dạng về hệ tiết niệu. Việc chị Hà đi khám thai mà không ai nói thiếu một bên thận có thể là do các bác sĩ chỉ quan tâm đến thai nhi chứ không để ý đến việc này”.

Trong cuộc trò chuyện với chị Hà, chị cũng khẳng định mình chỉ có duy nhất một vết mổ dọc nằm ở phần bụng dưới, đây cũng chính là vết mổ đẻ ở bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên. Ngoài ra hai bên mạng sườn hoàn toàn không có dấu vết của dao kéo do phẫu thuật.

Bên sườn phải của chị Hà không hề có vết mổ
Bên sườn phải của chị Hà không hề có vết mổ

“Đến thời điểm này chúng tôi cũng không khẳng định việc chị Hà chỉ có một quả thận là do dị tật bẩm sinh. Nhưng tôi khẳng định lại một lần nữa là không thể có chuyện cắt thận trong lúc mổ đẻ ở bệnh viện này. Nếu muốn rõ nguyên nhân việc bên thận chị Hà bị cắt hay dị tật, bị lạc thận thì phải lên bệnh viện TƯ chụp bằng UIV mới biết chính xác nguyên nhân”, ông Hiệp khẳng định!

Riêng chị Hà cho biết: “Giờ cũng rất muốn đi kiểm tra cho nhẹ lòng, nhưng ngặt nỗi tôi đang có thai tuần thứ 8, việc chụp chiếu sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, nên cũng không thể đi chụp lúc này. Việc có đi kiểm tra hay không sau khi sinh con thì chị và gia đình sẽ bàn bạc sau”.

Đức Văn