Không để giá thuốc quyết định “ý thức…”

Kê đơn cho bệnh nhân đúng bệnh, đúng thuốc, an toàn là trách nhiệm của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận y, bác sĩ đang góp phần tạo áp lực cho bệnh nhân.

  

Khám đúng bệnh, kê đúng thuốc là yêu cầu chính đáng của bệnh nhân

Khám đúng bệnh, kê đúng thuốc là yêu cầu chính đáng của bệnh nhân

 

Giá thuốc quyết định ý thức thầy thuốc?

 

Câu chuyện được đăng trên các phương tiện thông tin mới đây rằng, một đơn thuốc trị đau đầu xuất hiện 2 biệt dược của nước ngoài có cùng hoạt chất, nghĩa là có tác dụng như nhau với giá hơn 17.000đ/viên, trong khi giá 1 viên thuốc Paracetamol sản xuất trong nước chỉ không tới 4.000 đồng lại không được kê trong đơn. Đơn giản vì nếu kê đơn thuốc nội, BS không được hưởng khoản hoa hồng 5-10% tiền bán 2 loại thuốc kia.

 

Có tình trạng BS kê đơn tới 20 loại thuốc cho BN uống trong ngày. Không ít cơ sở y tế mỗi khi nhận BN vào điều trị, việc đầu tiên là cho truyền ngay 1-2 chai dịch, mỗi chai dịch BN hoặc BHYT phải trả 300.000-400.000đồng. BN thắc mắc, BS dằn giọng “tôi là BS hay chị là BS?”.

Một BS lâu năm tại một BV lớn ở Hà Nội khẳng định, nhiều BS kê đơn cho BN không hẳn vì bệnh buộc phải dùng thuốc đó mà chỉ đơn giản là nhắm vào khoản “hoa hồng” từ các công ty dược. Kết quả điều tra mới đây của BV Nhi Trung ương tại 18 phòng khám BV huyện thuộc 3 tỉnh phía Bắc cho thấy, trong số 1757 đơn thuốc kháng sinh mà 48 BS kê cho BN thì 99,2% trẻ em được kê ít nhất 1 loại kháng sinh, 1298 đơn không đúng chỉ định, không đúng loại, không đúng liều lượng và thời gian điều trị, 206 đơn dùng từ 2 loại kháng sinh trở lên.

 

Một khảo sát khác của Chương trình nhiễm khuẩn hô hấp Quốc gia về việc khám bệnh, kê đơn cho trẻ em cũng kết luận, chỉ có 42% trường hợp dùng kháng sinh đúng cho các trường hợp viêm phổi, 23% trường hợp vẫn dùng kháng sinh cho trẻ không bị viêm phổi. Đặc biệt việc lạm dụng vitamin chiếm trên 81%, trong đó 44,5% trường hợp dùng từ 2 loại vitamin trở lên.

 

Theo khuyến cáo của BHXH Việt Nam, hiện nay tổng chi cho thuốc khám chữa bệnh BHYT luôn chiếm 60%, trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới chỉ chiếm 25% - 40%. Với việc chỉ định thuốc “quá vô tư”, dự kiến năm 2012, số tiền thuốc BHYT có thể lên đến 11.700 tỷ đồng (chiếm 61% tổng chi). 5 loại thuốc BHYT được sử dụng với tần suất cao bất thường là Glutathion tiêm, Ginko biloba uống, Arginin uống, Glucosamin uống L, Ornithin-L-aspartat tiêm. Chỉ trong nửa năm 2011, tiền chi cho 5 loại thuốc này đã lên đến 218 tỉ đồng, chiếm đến 4,16% tổng chi phí thuốc BHYT. Việc lạm dụng kê đơn đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả trị bệnh.

 

Công khai hóa kê đơn

 

Đây là “khắc tinh” của việc “vung tay quá trán” trong kê đơn mà BV Bạch Mai đã thực hiện từ nhiều năm nay. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền- Phó Giám đốc BV Bạch Mai, những gói thuốc và những thông tin cụ thể về giá cả được y tá hàng ngày trao tận tay BN. Đặc biệt các đơn thuốc được lưu và giám sát chặt đã mang lại hiệu quả lớn: tiền chi cho 1 đơn thuốc giảm 1/2, số thuốc kê cho 1 đơn cũng giảm tương tự, nên được BN rất hài lòng và tin vào những chi phí mà họ phải trả.

Bằng việc nối mạng từ các khoa điều trị tới Khoa Dược và Phòng Tài chính kế toán đã công khai các khoản chi phí của BN. Với những đơn thuốc kê bất hợp lý bị BHYT xuất toán, BS phải bỏ tiền túi bồi thường. Cùng với việc đó, BV thường xuyên tổ chức bình bệnh án, cảnh báo các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Hiện BV Bạch Mai đã xây dựng được 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn của 14 chuyên ngành. Đây được coi là thước đo nhằm loại trừ việc lạm dụng thuốc và các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng.

 

Nhằm giảm chi cho thuốc BHYT, bà Tống Thị Song Hương- Vụ Trưởng Vụ BHYT-Bộ Y tế cho rằng, thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra việc thực hiện BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn chống lạm dụng quỹ BHYT. Ông Nguyễn Minh Thảo- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông báo, cơ quan này đã có công văn yêu cầu BHXH các địa phương phối hợp với Sở y tế điều chỉnh việc cung ứng, sử dụng một số loại thuốc được kê nhiều bất thường. BHXH sẽ kiên quyết từ chối thanh toán các loại thuốc có giá cao bất hợp lý.

 

Theo Đại đoàn kết