Không chủ quan dù dịch đang giảm mạnh

(Dân trí) - Không căng thẳng như thời điểm cách đây hơn 1 tuần, con số báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cho thấy: những trường hợp nhập viện nghi nhiễm tiêu chảy cấp chỉ còn là 52, và tổng số tích luỹ của dịch đến thời điểm này là 1.713 trường hợp.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên... liên tiếp trong 4 ngày qua không có người mắc thêm dịch.

 

Dịch đã kiểm soát được. Đó là những gì mà ngành y tế đã làm được cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, thứ trưởng Trịnh Quân Huấn luôn nhắc nhở các đơn vị cần phải đề cao cảnh giác cũng như chuẩn bị tinh thần để ứng phó với các tỉnh lũ lụt miền Trung nếu xảy ra dịch.

 

Đối với trường hợp bị tả được phát hiện tại bãi rác Sóc Sơn, ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP, cho biết: gia đình bệnh nhân này có 4 người và tất cả đều làm nghề nhặt rác tại đây, tuy nhiên chỉ có một người bị nhiễm. Do vậy, nguyên nhân có thể là do bệnh nhân đã tiếp xúc với khuẩn phẩy tả tại bãi rác.

 

Cho đến thời điểm này thì vấn đề dư luận quan tâm chính là xác định nguồn gốc gây bệnh dịch. Chỉ riêng câu chuyện về mắm tôm cũng còn nhiều ý kiến. Đã có ý kiến từ lãnh đạo bộ cho rằng, kỹ thuật Việt Nam chưa đủ tiên tiến để có thể phân lập được một cách rõ ràng, cặn kẽ khuẩn phẩy tả trong mắm tôm. Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, việc chưa phát hiện thấy phẩy khuẩn tả trong mắm tôm không phải là do kỹ thuật của chúng ta không hiện đại mà do khả năng tồn tại của khuẩn phẩy dạng tả trong các chất thải hay thực phẩm đều khác nhau (có thể là vài ngày cho đến vài tuần). Trong khi xét nghiệm mắm tôm thường phải sau từ 1-2 ngày, khi đó đã quá muộn để tìm thấy phẩy khuẩn tả.

 

Ông Hiển còn cho biết, trong mấy ngày gần đây vẫn phát hiện những trường hợp bị tiêu chảy cấp sau khi ăn thịt chó mà không có mắm tôm. Những trường hợp này được xác định là do ăn rau sống kèm với thịt chó mà ở đây là rau thơm, rau húng.

 

TPHCM: Dịch vẫn “ngoài vòng phủ sóng”

 

Ngày 13/11/2007, bệnh nhân Đào Kim Thúy (769/13/1 Cao Lỗ, Phường 4, Q8) đã nhập BV Nhiệt Đới với chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, đây là bệnh nhân thứ 4 ở TPHCM nghi tiêu chảy cấp nhưng qua soi tươi (soi phân trực tiếp trên kính hiển vi) không phát hiện khuẩn phẩy tả.

 

TPHCM có tất cả 432 ca mắc tiêu chảy thông thường, hiện vẫn chưa có biểu hiện liên quan đến dịch tiêu chảy cấp trong 12 ngày qua.

 

Trong khi đó các đoàn thanh tra (Sở Y tế TPHCM và các quận hyện) đã tạm thu giữ 2.500kg mắm tôm, trong đó 2/3 là không rõ nguồn gốc. Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM đã tiến hành xét nghiệm 54 mẫu thực phẩm, 14 mẫu rau, 05 mẫu nghêu, 1 mẫu thịt heo và 01 mẫu rượu, cùng 37 mẫu nước, tất cả đều không phát hiện thấy khuẩn phẩy tả.

 

Bên cạnh việc vận động nhân dân thực hiện việc ăn chín - uống sôi, rửa tay, sử dụng nguồn nước sạch…để phòng chống dịch tiêu chảy cấp, Sở Y tế TPHCM vừa yêu cầu các Phòng y tế, TT Y tế dự phòng các quận huyện tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại nhà cũng như tại các bãi rác công cộng, chợ, bến xe, hầm phân và chủ động diệt ruồi bằng hoá chất cũng như các biện pháp dân gian.

 

Ngoài ra, TT Y tế dự phòng quận huyện phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường xử lý triệt để những nơi tạo thuận lợi cho ruồi phát triển. Vận động người dân tổng vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, xử lý phân gia súc đúng quy định, đậy kín không để ruồi có điều kiện sinh sản và phát triển.

 

Ngọc Thanh

 

Lan Hương