Không chết nhờ khát sống

Cho đến giờ, anh Phùng Thanh Lâm, 43 tuổi, nhà ở quận 11, TP.HCM vẫn tin rằng chính nỗi khao khát được sống đã giúp anh vượt qua những cơn đau do bệnh hành, vượt qua cả cái chết.

Không chết nhờ khát sống

Anh Lâm và cô con gái sáu tuổi. 

 

Án tử ở tuổi 18

 

Anh Lâm kể lại cơn bạo bệnh bất ngờ ập xuống khi anh vừa tròn 18 tuổi: “Lúc đó tôi đang học ở một trường trung cấp cơ khí. Để kiếm thêm tiền chi tiêu cho việc học, tôi xin làm thợ nhồi thuốc cho một xưởng làm pháo. Thời đó vấn đề bảo hộ còn sơ sài, nhóm thợ chúng tôi cứ việc mà làm, đâu biết cần phải mang khẩu trang để tránh hoá chất từ thuốc pháo nhiễm vào người. Thế mà tôi gắn với công việc độc hại ấy đến bốn, năm năm trời”.

 

Đến năm 1992, một lần sang chơi nhà chị gái, thấy nhà chị đang xây dựng, anh Lâm phụ giúp quay ròng rọc đưa hồ, ximăng lên sàn cao. “Tôi đang làm thì bất ngờ máu đâu trong mũi thi nhau tuôn ra ướt cả vạt áo. Trong ngày hôm đó, chị đưa tôi vào khám ở bệnh viện Chợ Rẫy. Đến lần sinh thiết thứ hai, kết quả vẫn là ung thư vòm họng. Bác sĩ bảo thời gian sống của tôi chỉ còn có sáu tháng! Chị gái tôi khóc, cả nhà tôi ai nghe tin cũng sốc, choáng. Còn tôi, đất trời như đổ sụp trước mắt. Tôi sẽ làm gì với sáu tháng còn lại của cuộc đời?”

 

Vốn là một thanh niên vạm vỡ nặng 58kg, khi biết mình sắp chết, chỉ sau một tuần suy nhược tinh thần, anh Lâm sụt xuống còn 40kg.

 

Hành trình trốn chạy

 

Từ Chợ Rẫy anh Lâm chuyển qua bệnh viện Ung bướu TPHCM, tại đây các bác sĩ cũng chẩn đoán anh đang mắc ung thư vòm họng, thời gian sống chỉ còn vài tháng. Anh chia sẻ: “Nằm điều trị tại bệnh viện Ung bướu, nhìn thấy sự đau đớn của những bệnh nhân ung thư cùng phòng, trong một lần xin bác sĩ cho về nhà, tôi đã trốn không dám quay lại bệnh viện”.

 

Nhưng không thể ngồi chờ chết, anh Lâm cùng gia đình đi khắp nơi mong tìm phương thuốc kỳ diệu kéo dài sự sống. Anh kể: “Người ta chỉ gì mình uống đó, từ bông dừa cạn đến con rắn lục. Nhiều thầy thuốc khi bắt mạch cho tôi đều lắc đầu bảo mệnh tôi đã vậy. Còn nỗi đau nào hơn khi mình khát sống mà cái chết cứ gần kề. Tôi xin cha mẹ gom tiền cho tôi sang Trung Quốc điều trị, nhưng rồi chuyến đi đó không thành”.

 

Khi thấy mọi phương thuốc truyền miệng đều bó tay, anh Lâm quay trở lại bệnh viện Ung bướu xin được điều trị. Anh Lâm kể về quá trình chữa trị gian nan của mình: “Tôi phải thực hiện xạ trị 32 tia kết hợp với 5 toa hoá trị. Lần hoá trị thứ hai cộng với xạ trị bắn tia laser, hạch bên tai trái của tôi nhỏ lại dần, đến lần thứ năm thì tan biến hẳn. Như vậy là tôi đã được cộng thêm một phần thời gian sống.

 

Hạch quái ác không còn, nhưng đổi lại tóc trên đầu tôi rụng xác xơ, mồm miệng thì lở loét, đau đớn vô cùng. Thuốc còn ảnh hưởng đến cả hàm răng. Những ngày vào thuốc, tôi mệt mỏi liên tục, không thể ăn uống bất cứ thứ gì. Một đêm tôi bất ngờ lên cơn, cả thân người như nhũn ra, cảm giác cái chết đang rất gần. Trong những hơi thở gấp, tôi còn nghe tiếng bác sĩ bảo rằng họ đã hết cách. Cả nhà tôi ai cũng khóc. Vậy mà sáng ra, tôi mở mắt, và biết mình còn sống”.

 

Còn niềm tin là còn sự sống

 

Sau một năm điều trị, sức khoẻ anh Lâm dần cân bằng trở lại. Anh bắt đầu tìm kiếm việc làm. Nhưng nhìn người đàn ông vóc dáng gầy gò, răng rụng gần hết, tóc có thể đếm từng sợi trên đầu, chẳng nơi nào muốn nhận. Không chịu thua, anh bắt đầu đi học bổ túc văn hoá và rèn luyện cơ thể mình.

 

“Tôi tập thể dục mỗi sáng, chạy bộ, đá banh, không uống bia rượu và cố gắng ăn uống đúng giờ. Sau một năm, từ 40kg tôi tăng lên được đến 53kg. Lúc điều trị xong, tôi vẫn không tin cuộc sống của mình có thể kéo dài hơn nữa, cứ sống được một ngày là tôi lại mong sống thêm ba ngày nữa. Có lẽ vì sự ham sống của tôi mà ông trời thương cho tôi sống đến giờ”, anh Lâm hề hà thổ lộ.

 

Đến năm 1998 anh xin được việc, làm thợ cơ khí cho một công ty. Hiện anh Lâm đang sống yên vui, đề huề với người vợ và đứa con gái 6 tuổi. Anh chia sẻ trong niềm hạnh phúc: “Niềm tin đã giúp tôi lấy lại cuộc sống của mình, và quà tặng dành cho tôi chính là tổ ấm bây giờ”.

 

Theo Nguyên Cao

Sài Gòn tiếp thị