Khoèo chân: Càng điều trị sớm càng hiệu quả

(Dân trí) - Nguyên tắc tốt nhất để chữa bệnh khoèo chân là tiến hành việc điều trị ngay sau khi sinh.

Khoèo chân: Càng điều trị sớm càng hiệu quả - 1

Chữa khoèo chân ngay sau sinh đơn giản, hiệu quả, không cần phải phẫu thuật
 
BS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng khoa Bỏng - Chấn thương Chỉnh hình BV NĐ 2, cho biết: “Chân khoèo là một tật bẩm sinh. Khi sinh ra 2 bàn chân của em bé bị lật vào trong và co rút lên. Trẻ bị chân khoèo có thể do tư thế nằm của bào thai trong bụng mẹ đã làm cho chân trẻ bị cong và co khi sinh ra”.
 

BS Lê Thị Đào, Trưởng đơn vị Vật lý trị liệu, bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Năm 2008 có 463 ca (trong năm 2007 đã có 620 ca bị chân khoèo) được tập vật lý trị liệu sau khi tiến hành các phương pháp chữa trị”.  Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm có khoảng trên 300 trẻ được điều trị vật lý trị liệu vì bệnh chân khoèo bẩm sinh.

Rất dễ nhận biết tật chân khoèo ngay khi trẻ sinh ra nhưng với những trường hợp nhẹ, chân trẻ chỉ cong rất ít, cha mẹ khó nhận biết. Ngoài ra, do quan niệm chỉ tiến hành việc chữa trị cho trẻ sau khi đầy tháng hay trời sinh sao để vậy nên khi trẻ lớn hơn mới chữa chạy khiến việc điều trị để trở nên khó khăn, tỉ lệ thành rất thấp (45%) so với điều trị ngay sau sinh (95%). 

 

Có nhiều phương pháp chữa trị bệnh chân khoèo cho trẻ sơ sinh như phương pháp bó bột hay còn gọi là phương pháp Ponseti (PPP). điều trị trong giai đoạn này trẻ tránh phải phẫu thuật và có cơ hội phục hồi đôi chân trở lại bình thường đến 95% nhờ xương chân còn non mềm. PPP thích hợp trong điều trị cho cả trường hợp nặng cũng như nhẹ với liệu trình khoảng 6 tuần, mỗi tuần thay bó bột 1 lần.

 

Nếu trẻ đã lớn mới tiến hành điều trị thì thường là phải phẫu thuật kéo dãn gót chân, với tỉ lệ thành công chỉ khoảng 45 - 55%. Sau điều trị tư thế chân sẽ không được tốt và cử động không được như những bàn chân những trẻ điều trị từ nhỏ.

 

Song song với các phương pháp đó trẻ sẽ được tập vật lý trị liệu.

 

BS Hà Thị Kim Yến, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, bệnh viện Nhi đồng1 nhấn mạnh: “Điều trị cho trẻ bị chân khoèo theo phương pháp phẫu thuật cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các BS VLTL và chỉnh hình”.

  

Ngọc Thanh