Khi “chỗ ấy” của bé trai bị dị tật

Vùi dương vật, hẹp bao quy đầu và tinh hoàn ẩn là những bệnh lý thường gặp ở bé trai, tuy nhiên không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu biết để nhờ thầy thuốc can thiệp sớm.

Đầu tháng 11, anh N.L.M. ngụ tại quận 5, TPHCM đưa con trai 3 tuổi đến gặp Th.S - BS Nguyễn Thành Như, Trưởng Đơn vị Nam Khoa - Bệnh viện (BV) Bình Dân, để khám bộ phận sinh dục vì nhìn vào không thấy dương vật đâu cả. Qua thăm khám, bác sĩ Như cho biết đây chỉ là tình trạng vùi dương vật giả do mỡ phủ lấp dương vật của bé.

 

Dễ gây nhiễm trùng tiểu

 

Trước đó, một bệnh nhi 6 tuổi cũng được đưa đến BV Bình Dân sau khi đã được một bác sĩ ở nơi khác phẫu thuật 3 lần vì bệnh lý vùi dương vật. Mặc dù đã phẫu thuật nhưng dương vật của bệnh nhi này vẫn vùi sâu bên trong, kèm theo đó là vết sẹo to hình tam giác rất xấu. Đây là một trong những trường hợp vùi dương vật giả nhưng do không được chẩn đoán đúng nên để lại sẹo sau khi mổ.

 

Bác sĩ Lê Thanh Hùng, BV Nhi Đồng 1, cho biết mỗi tháng các bác sĩ tại đây phẫu thuật cho khoảng 10 trường hợp bị vùi dương vật, chiếm gần 1/2 các bệnh lý bất thường về bộ phận sinh dục ở bé trai vào điều trị tại BV. Bệnh có thể do bẩm sinh; do bất thường. Vùi dương vật thường gây nhiễm trùng tiểu hoặc nước tiểu văng khắp nơi gây khó chịu cho trẻ.

 

Hẹp bao quy đầu sinh lý và bệnh lý

 

Bác sĩ Nguyễn Thành Như cho biết ở Việt Nam tỉ lệ bé trai bị hẹp bao quy đầu thực sự chiếm khoảng 5%. Ở Mỹ có đến hơn 60% nam giới thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu, ở châu Âu khoảng 40% và ở Việt Nam chỉ khoảng 5%. Hẹp bao quy đầu ở trẻ cũng dễ gây viêm nhiễm vì da quy đầu quá dài và trẻ cần được phẫu thuật sớm để không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tuy nhiên, rất khó phân biệt tình trạng hẹp quy đầu thực sự vì khi bé trai còn nhỏ da niêm mạc quy đầu và bao quy đầu dính lại.

 

Hiện nay có nhiều ý kiến trong việc thực hiện phẫu thuật cắt da quy đầu cho trẻ. Có bác sĩ chủ trương “cắt dự phòng” bao quy đầu cho mọi trẻ ở bất cứ tuổi nào, cho dù có hẹp hay không hẹp, để dễ giữ vệ sinh sạch sẽ. Ý kiến khác cho rằng phải có bệnh thực sự mới cắt, nghĩa là chỉ cắt bao quy đầu khi nó thật sự hẹp.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, BV Nhi Đồng 1 khuyên nên điều trị bằng thuốc mỡ chứa steroid vào mặt trong và ngoài da quy đầu 2 lần/ ngày có tác dụng làm dãn rộng bao quy đầu và vì thế cải thiện tình trạng hẹp bao quy đầu. Tỉ lệ thành công với điều trị này là 85% - 95%.

 

Ưu điểm của điều trị này là trẻ không bị đau, không bị sang chấn về tinh thần cũng như sang chấn tại chỗ do cắt bao quy đầu, rẻ tiền, dễ thực hiện. Sau 3 tháng điều trị, nếu hẹp bao quy đầu không cải thiện mới áp dụng phương pháp phẫu thuật. Vì việc cắt bao quy đầu cho trẻ nhỏ dễ gây sang chấn tâm lý cho trẻ, nhất là dễ bị bạn cùng lớp trêu chọc và dễ gây biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, sẹo xấu hoặc gây ảnh hưởng đến dây thắng.

 

Nguy hiểm nhất là tình trạng tinh hoàn ẩn

 

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, mỗi năm có trên 120 trường hợp đến điều trị tinh hoàn ẩn. Có khoảng 4% bé trai sinh ra bị tinh hoàn ẩn, tỉ lệ này cao hơn ở trẻ thiếu tháng.

 

Trong những dị tật ở bộ phận sinh dục của bé trai tình trạng tinh hoàn ẩn rất dễ bị cha mẹ bỏ qua. Tinh hoàn ẩn là một bệnh bẩm sinh, tinh hoàn thay vì nằm trong túi da bên ngoài thì lại nằm đâu đó ở trong bẹn hay thậm chí trong bụng. Tinh hoàn có thể ẩn hoàn toàn hay “thoắt ẩn thoắt hiện”.

 

Trẻ mới sinh ra có thể bị tinh hoàn ẩn, nhất là bé trai sinh non, nhưng dần dần tinh hoàn sẽ tự chạy xuống “ổ” của nó. Nếu sau 1 tuổi mà nó vẫn còn lang thang đâu đó thì mới gọi là ẩn thật sự.

 

Tinh hoàn ẩn dễ bị ung thư gấp 40 lần tinh hoàn bình thường, ngoài ra còn gây vô sinh và xoắn dây tinh.

 

Mổ đem tinh hoàn xuống bìu khi 1 tuổi có thể giúp khả năng sinh tinh trùng hồi phục, mổ trễ hơn thì khả năng hồi phục thấp. Ngày nay, bằng việc ứng dụng kỹ thuật nội soi, các nhà ngoại khoa có thể tìm thấy dễ dàng các trường hợp tinh hoàn nằm cao hoặc lạc chỗ trong ổ bụng và giúp đưa chúng xuống bìu mà phương pháp phẫu thuật cổ điển rất khó thực hiện.

 

Theo Nhất Phương

Người lao động