Khám tư: bị ung thư nhưng chẩn đoán nhầm là lao

Người chịu thiệt thòi này là bệnh nhân Hoàng Thị H. (50 tuổi ở Bắc Kạn).

Bà H. kể: Gần một năm trước thấy cơ thể mệt mỏi, bà đã lặn lội từ Bắc Kạn về Hà Nội khám bệnh. Song khi đến Bệnh viện trung ương thấy cảnh chờ đợi xếp hàng đông nghịt, bà hoảng quá nên đành theo chân “cò mồi” đến khám tại một phòng khám tư nhân trên đường Thái Thịnh.

 

“Bằng đủ loại xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ khẳng định tôi bị nhiễm lao vì trong bụng có dịch. Uống thuốc hết đợt nọ đợt kia, quay lại tái khám cẩn thận do bệnh tình không thuyên giảm mà bác sĩ vẫn kê thuốc kháng lao dùng trường kỳ”, bà H. than thở.

 

Kết quả, sau chín tháng dùng thuốc kháng lao, cơ thể bà H. kiệt quệ dần, người xanh xao, bụng không ngừng to ra như cái trống vì dịch ngày càng nhiều trong ổ bụng. Đến khi đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ mới phát hiện bà H. bị ung thư buồng trứng.

 

TS Đặng Vĩnh Dũng, khoa phụ sản Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay bình thường cơ thể cũng có ít dịch trong ổ bụng nhưng chỉ là dịch sinh lý. Khi mắc bệnh lao hay các loại ung thư trong ổ bụng, lượng dịch sinh ra sẽ nhiều hơn.

 

“Nếu chỉ căn cứ vào đặc điểm này sẽ rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh nọ sang bệnh kia. Chỉ cần lưu ý một chút, bệnh nhân sau 35 tuổi nếu chụp phát hiện có dịch trong ổ bụng thì kiểm tra thêm các phần phụ và các tạng khác để loại trừ căn nguyên khối u trước khi kê đơn trị lao sẽ tránh được nhầm lẫn”, TS Dũng nhấn mạnh.

 

Điều đáng buồn là do bị chẩn đoán sai, bà H. đã mất đi “thời gian vàng” để có thể chữa khỏi bệnh. Theo TS Dũng, thông thường với bệnh lý ung thư buồng trứng, lại đi khám ngay khi bệnh vừa chớm giai đoạn sớm như bà H., nếu chẩn đoán chính xác thì phẫu thuật có thể chữa khỏi bệnh.

 

Song do thời gian điều trị thuốc kháng lao quá dài, bệnh tình nặng hơn, khối u di căn xa, cùng với tác dụng phụ của thuốc kháng lao khiến sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy kiệt, khả năng tái phát cao. Sau phẫu thuật, bà buộc phải dùng hóa chất trị bệnh.

 

Theo TS Nguyễn Văn Tuyên, trưởng khoa ngoại phụ khoa Bệnh viện K trung ương, bệnh lao và ung thư buồng trứng có vài đặc điểm trùng lắp, nhưng việc chẩn đoán nếu dựa trên đầy đủ các xét nghiệm lâm sàng, dùng chất chỉ điểm khối u với bệnh nhân nghi ung thư và xét nghiệm tế bào học, tìm kháng thể kháng lao, nuôi cấy vi khuẩn lao... sẽ không bị nhầm lẫn.

 

Theo Ngọc Hà

Tuổi trẻ