Khám bệnh lúc... nửa đêm

11h đêm tiếng chuông điện thoại làm tôi tỉnh giấc. Đầu dây bên kia, giọng của cô em họ năn nỉ :“Chở em đi khám bệnh, khuya quá em không dám đi một mình”. Tôi vừa dụi mắt vừa hoài nghi: Giờ này thì có ma nào mà khám bệnh chứ...

Ngủ để chờ khám

 

Khi tôi đến nơi đã gần 0 giờ, trên đường Trần Văn Đang (Q3- TPHCM) đã ngớt người qua lại. Căn nhà 5 tầng và là “bản doanh” của phòng mạch chuyên khám bệnh da liễu của bác sĩ S. điện vẫn bật sáng.

 

Tôi mở cổng vào hành lang phòng khám, giật mình bởi án ngữ trước những bậc thang của hành lang chưa đầy 10m2 là hàng chục người cả nam lẫn nữ nằm, ngồi vật vờ… chờ khám bệnh.

 

Phía bên trong phòng mạch, gần 30 phụ nữ ngồi bệt ở sàn nhà chờ đợi trong trạng thái ngái ngủ. Tôi tiến lại cạnh một người ngồi ở quầy thuốc của phòng khám hỏi thủ tục khám bệnh, liền bị ông này chặn lại hỏi: “Đã lấy số chưa?”.

 

Tôi nói bây giờ mới đến nên chưa lấy số được. Ông ta bảo hoặc là ngồi đợi đến khi nào khám xong cho những người có số hoặc là 4 - 5h sáng tới lại để lấy số cho lần khám sau. Không còn cách lựa chọn nào khác, tôi liền tạt ra ngoài hành lang cùng vật vờ chờ đợi với những người đến trước.

 

Gần 1h khuya, bác sĩ cho gọi những người ngồi đợi ngoài hành lang vào trong nhà rồi khoá cửa để... ngủ. Như thường lệ sau 9 tiếng làm việc không ngơi nghỉ, bác sĩ giải lao đến khoảng 3h sáng thì khám lại.

 

Thế là tất cả mọi người cũng tranh thủ xả hơi. Tại phòng chờ, chị N.T. Lan, 29 tuổi ở Q. Bình Thạnh cứ trăn trở ngồi lên rồi nằm xuống. Khi thấy tôi ghé vào ngồi cạnh, nhiều phụ nữ khác còn mắt nhắm, mắt mở lảo đảo ngồi dậy, ai cũng tay xách nách mang trông rất mệt mỏi. Ngồi cạnh chị là một phụ nữ trạc tứ tuần, trên tay vẫn còn ôm chiếc gối con và chiếc màn mỏng dính đợi đến lượt khám.

 

Sáng hôm sau vẫn trong vai một người đi khám bệnh, tôi lại có mặt tại địa điểm cũ. Mặc dù chưa tới 11h trưa nhưng đã thấy rất nhiều phụ nữ ở các tỉnh lẻ đợi chờ trước cổng từ lâu. Chị L.T. Mỹ - ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết do đường xa nên cố đi sớm để chờ bác sĩ khám sớm.

 

Cùng lúc, chị Thanh, quê ở Bà Rịa- Vũng Tàu ghé vào quán nước vừa kêu ly nước nhâm nhi vừa lấy bịch cơm hộp trong chiếc giỏ xách ngồi ăn. Chị Thanh nói: “Mình là khách quen nên khám suất 5h30 đến 21h, chứ những lần trước cũng phải trắng đêm tại nơi này chờ khám”.

 

Theo lời chị Thanh mạch, tôi gặp bà K., vừa kiêm “cò” lấy số vừa giữ xe ở phòng mạch này. Vừa gặp tôi, bà K. liền chìa tấm danh thiếp ghi: “Liên hệ cô K. điện thoại 0909791… để lấy số”.

 

Bà K., hỏi: “Có lấy số không?”. Tôi hỏi có số khám khoảng 10h không?- Bà K trả lời: “Thế thì chịu thôi, chỉ còn số ngày mai, số hôm nay họ đặt hết rồi” .

 

Theo bà K.,  muốn lấy số khám trong thời gian từ 17h đến 19h thì mất 90.000 đồng , còn 70.000 đồng thì phải thời gian sau đó”. Khoảng 11h tối tôi quay trở lại quán nước cạnh phòng mạch, một “cò” khoảng 30 tuổi tại đây hỏi tôi có chờ nổi đến 3h sáng để khám không. “Không đủ sức đâu” - Tôi trả lời. “Cò” này nhanh nhảu: “Để tôi lấy số cho, nếu khám sớm 70.000 đồng cho một số, khám muộn từ 10h trở lên là 50.000 đồng”.

 

“Nóng” bệnh da liễu

 

Không phải ngẫu nhiên, phòng mạch tư này lại hoạt động quá tải như vậy. Theo bác sĩ S., chủ phòng mạch, thì bệnh da liễu luôn bùng phát nhiều thời gian trong năm, trong khi đó điều trị tại các bệnh viện lại không thuận tiện nên các phòng mạch tư đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân.

 

Anh Nguyễn Văn Đức, 28 tuổi ở Long An cho biết: “Mỗi lần thời tiết thất thường hay uống một ly bia, ly rượu là mặt tôi lại nổi mụn, đi khám ở bệnh viện da liễu TPHCM bác sĩ bảo do dị ứng nhưng điều trị hơn 3 tháng mà không khỏi. Nghe tiếng bác sĩ S. nên tôi đã đến đây.”. Trong khi đó, chị  Thanh bộc bạch: “Tôi bị bệnh da liễu, không tiện đến bệnh viện do vậy phòng mạch tư là địa chỉ đáng tin cậy nhất”…

 

Bác sĩ  Đặng Văn Quỳ - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TPHCM cho biết, bệnh ngoài da tại các tỉnh phía Nam gần như bùng phát quanh năm, do đó không chỉ các bệnh viện quá tải mà tại các phòng khám tư về da liễu lúc nào cũng đông đúc.

 

Song hiện tượng khám chữa bệnh thâu đêm như phòng khám của bác sĩ S. là trường hợp hy hữu tại TPHCM. Có thể do các bệnh nhân truyền miệng nhau nên họ đổ xô đến điều trị. Cũng có trường hợp bệnh da liễu phải điều trị thời gian dài nên bệnh nhân phải theo đuổi.

 

Tuy nhiên, theo quy định, các phòng mạch tư không được phép lưu bệnh nhân qua đêm. Nếu có lưu bệnh nhân qua đêm, Sở Y tế sẽ kiểm tra và xử lý ngay trong thời gian tới. Còn các bệnh nhân đến khám phải ở lại qua đêm tại phòng mạch thì trách nhiệm quản lý thuộc chính quyền địa phương.

 

Theo Lê Nguyễn

Tiền phong