Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

"Huy động cả hệ thống chính trị dập dịch tiêu chảy cấp"

(Dân trí) - Sáng 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Bộ Y tế về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Thủ tướng khẳng định dịch có thể bùng phát lớn nếu chủ quan. Vì vậy, tất cả các Bộ, Ngành liên quan phải khẩn trương dập dịch nguy hiểm.

"Phải quyết liệt dập dịch!"

Thủ tướng cho rằng dịch bệnh hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn gây ra những tác động xấu đến kinh tế, an sinh xã hội. Chính vì vậy, Bộ Y tế phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính, thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, cũng như khi dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra, phải cần đến sự tham gia hỗ trợ tích cực của toàn thể các ban ngành thì mới khống chế được dịch bệnh. Đối với dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cũng vậy, cần có sự phối hợp, hỗ trợ mạnh mẽ của các Bộ: Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Tài Chính, Thông tin & Truyền thông... và ý thức của nhân dân thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, hiện đã có hơn 1.300 ca tiêu chảy cấp ở cả ba miền, trong đó 136 trường hợp dương tính với tả. Điều đáng lưu ý là những đối tượng này chủ yếu là thanh niên làm công việc phổ thông như xe ôm, khuân vác, thợ xây... Đây là nhóm có thói quen ăn uống khá bừa bãi (thường xuyên ăn thịt chó, lòng lợn chấm mắm tại các quán ăn hè phố). Tập trung đông nhất là Hà Nội.

Theo dự đoán của Bộ Y tế, dịch bệnh đang có chiều hướng chững lại về số người mắc nhưng trong thời gian tới, dịch có thể sẽ tiếp tục lan rộng ra các tỉnh khác ở phía Nam. Các ca bệnh sẽ xuất hiện rải rác chứ không bùng phát thành dịch lớn.

Sáng 12/4, Bộ Y tế công bố thêm một số địa điểm có khuẩn tả trong nước: Ao thả cá Đại Áng, Thanh Trì, cống nước thải gần nhà một bệnh nhân ở Mai Dịch, cống ở phường Lê Thánh Tông (Hà Nội), kênh Đan Hoài (Hà Tây), một ao ở xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ngoài ra, khuẩn tả cũng được tìm thấy trong nước rửa tay của chủ một quán thịt chó phường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội).

Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng: "Mặc dù các cấp ngành đã cố gắng chống dịch và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, ở đợt dịch thứ 3 này, số bệnh nhân tuy ít đợt đầu tiên nhưng phạm vi đã lan rộng hơn rất nhiều. Số tỉnh có dịch đã là 18 so với 14 tỉnh đợt trước, số xã huyện có dịch cũng tăng. Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, các tỉnh đông dân như Thanh Hóa đều đã phát dịch.

"Nếu chủ quan và không phòng chống quyết liệt thì tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn có thể bùng phát lớn. Do đó, phải dùng mọi biện pháp, nguồn lực hiện có để dập tắt càng nhanh càng tốt. Nếu để dịch tiếp tục lây lan không ngăn chặn được thì đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị", Thủ tướng nói.

Phía Bộ Y tế cho hay: Mặc dù đã áp dụng các biện pháp tại chỗ như phun cloramin B khử khuẩn ở những khu vực phát hiện có phẩy khuẩn tả và bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm nhưng hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất chủ quan với dịch bệnh, thường xuyên ăn uống mất vệ sinh. Bên cạnh đó, một trong nhưng địa phương chuyên cung cấp rau xanh cho Hà Nội là Hà Tây vẫn không thể kiểm soát được tình trạng người dân dùng phân tươi và nước sông nhiễm khuẩn tưới rau. Đây là nguồn thực phẩm có nguy cơ gây các bệnh rất lớn.

Bên cạnh đó, dịch tiêu chảy cấp vẫn tiếp tục lưu hành và  xuất hiện rải rác khắp nơi là do chưa có biện pháp kiểm soát được số người lành mang trùng đang di chuyển khắp mọi miền. “Ngành đường sắt hiện có khoảng 1.000 toa tàu hỏa đi qua 22 tỉnh thành, vận chuyển hàng chục nghìn lượt hành khách mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ 10% số toa tầu có toilet tự hoại, còn lại xả thẳng xuống đường. Vì thế việc mầm bệnh lan truyền theo các tuyến đường sắt là gần như không tránh được”, ông Huấn báo cáo.

Báo cáo với Thủ tướng về vấn đề này, đại diện Bộ Giao thông vận tải nói: “Không chỉ ở Việt Nam mà một số nước khác vẫn sử dụng những loại tàu này. Mặc dù ngành đường sắt đã có kế hoạch thay thế tàu thế hệ mới, nhưng đây không phải là việc ngày một, ngày hai. Bởi mỗi năm, Việt Nam chỉ đóng mới được khoảng 10 toa tàu, mà lượng hành khách cần vận chuyển thì ngày một tăng lên. Chính vì vậy sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa mới thay thế hết các toa tàu có nhà vệ sinh tự hoại.

Để đối phó với dịch tiêu chảy cấp đang diễn ra, Ngành đã bố trí nhân viên và phương tiện y tế trên các chuyến tàu, khi phát hiện bệnh nhân sẽ đưa xuống cơ sơ gần nhất để điều trị, xử lý chất thải bằng cloramin B.

Bộ Y tế cũng nêu ra một hiện thực là cho đến thời điểm này tại một số hộ dân ở Hà Tây thậm chí không có nhà vệ sinh. Vấn đề được Sở Y tế xác nhận và cho biết: Trước đó rất lâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân xây nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề này đã bị bỏ lửng. Một số người dân đã trở lại với thói quen phóng uế bừa bãi ra đồng ruộng và đã trở thành nguồn lây lan bệnh dịch nguy hiểm.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngăn chặn dịch từ gốc (cải thiện hệ thống nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch, thay đổi tập quán ăn uống...) nhưng đồng thời cũng phải dập ngay tại ngọn (khoanh vùng, xử lý môi trường, cách ly điều trị kịp thời...).

Một số địa phương đã làm tốt công tác chống dịch

Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở tất cả các Bộ, Ngành có liên quan tập trung nhân lực, vật lực nhanh chóng dập dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm hiện nay.

Thủ tướng cũng hoan nghênh một số địa phương như Hải Phòng, Thanh Hoá đã có những biện pháp cụ thể, áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền phòng bệnh gần gũi với người dân kiểu “dập dịch từ đầu ngõ”, tận dụng hệ thống loa đài địa phương, yêu cầu các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nhắc nhở, phổ biến người dân khu vực mình cách phòng dịch hiệu quả, kết hợp với treo băng - rôn, khẩu hiệu nhắc nhở ý thức.

Biện pháp quan trọng nhất được Bộ Y tế xác định là cắt đứt đường lây truyền bệnh từ thực phẩm. Ông Trịnh Quân Huấn cho biết sẽ thường xuyên lấy mẫu thực phẩm ở các hàng quán, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm để xét nghiệm. Những cơ sở nào không đạt sẽ bị đình chỉ hoạt động và thông báo cho người dân biết để tẩy chay. Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng nước đá, nước uống khác cũng được lưu tâm kiểm tra. Ngoài ra, các hàng quán cũng phải ký cam kết không phục vụ những món ăn nguy cơ cao (như rau sống, nem chua, tiết canh) trong thời gian có dịch...

P. Thanh