Hơn 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày vì tai nạn thương tích

(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do thương tích không chủ ý và ít nhất một nửa số ca tử vong này có thể phóng tránh được.

Con số trên được đưa ra tại buổi họp báo Công bố Báo cáo toàn cầu về Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tổ chức sáng nay, 10/12 tại Hà Nội.

Báo cáo toàn cầu về Phòng chống thương tích ở trẻ em là một đánh giá tổng thể đầu tiên trên toàn thế giới về thương tích không chủ ý ở trẻ em và đưa ra các biện pháp phòng chống. Theo đó, sẽ có thể cứu sống ít nhất 1.000 trẻ mỗi ngày nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.

Cũng theo bản báo cáo này, tai nạn thương tích không chủ ý là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em sau 9 tuổi và 95% các thương tích trẻ em xảy ra tại quốc gia đang phát triển.

Tai nạn giao thông là nguyên nhân dẫn đầu gây tử vong cho các em trong độ tuổi từ 10 - 19 và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thương tật cho trẻ em. Ước tính, tai nạn giao thông đường bộ giết 260.000 trẻ em mỗi năm và làm bị thương 10 triệu em khác.

Tiếp đó, trẻ chết vì nguyên nhân đuối nước đứng vị trí thứ hai với khoảng hơn 175.000 trẻ em chết vì đuối nước mỗi năm.

Ngoài ra, bỏng do lửa giết chết gần 96.000 trẻ em mỗi năm; tai nạn ngã khiến 47.000 trẻ tử vong mỗi năm;  Và mỗi năm có khoảng 45.000 trẻ em tử vong do ngộ độc không chủ ý.

Tại buổi họp báo, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Tại Việt Nam, tai nạn thương tích có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm qua với hàng chục ngàn người chết mỗi năm. Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 3 năm (2005 đến 2007) trung bình mỗi năm có 88.330 trường hợp TNGT với trên 33.000 trường hợp tử vong trên toàn quốc (trong đó trẻ em chiếm 22,3%). Nguyên nhân tử vong chủ yếu do tai nạn giao thông, chiếm 50% tổng số tử vong do TNTT, tiếp theo là đuối nước (20%), tự tử (10%) và tai nạn lao động (5%). Đặc biệt, những ca tai nạn thương tích tập trung cao nhất ở nhóm tuổi lao động từ 15 - 49 tuổi (nam cao gấp ba lần so với nữ).

Riêng ở trẻ em, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó, 1/2 là nguyên nhân đuối nước.

Đại diện của WHO tại buổi họp báo khẳng định: Tai nạn thương tích không chỉ gây ra cái chết của 830.000 người/năm mà còn có hàng triệu trẻ em phải gánh chịu các thương tích không gây chết người nhưng lại phải nằm viện hồi phục chấn thương trong thời gian dài. Việc phải gánh chi phí điều trị có thể khiến các quốc gia lâm vào cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể cải thiện được tình hình nếu chúng ta thực hiện hiệu quả các can thiệp phòng chống tai nạn thương tích.

Để giữ cho trẻ em được an toàn, hãy đội mũ bảo hiểm và đeo dây an toàn cho trẻ, hãy để thuốc, bật lửa… tránh xa tầm tay của trẻ. Hãy xả hết nước không dùng đến ở bồn tắm và thùng chứa nước, thiết kế lại đồ đạc, đồ chơi, thiết bị dành cho trẻ…

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ