Hôi miệng - Báo hiệu nhiều bệnh đáng sợ

(Dân trí) - Rất nhiều người cho rằng, hơi thở có mùi khó chịu là do bệnh khoang miệng hoặc buổi sáng quên đánh răng gây ra. Bên cạnh đó, y học hiện đại đã chứng minh rất nhiều loại bệnh như bệnh gan, phổi, thận, dạ dày cũng có thể dẫn đến hôi miệng. Nếu muốn thoát khỏi hôi miệng hãy tìm rõ nguyên nhân gây bệnh.

Hôi miệng - Báo hiệu nhiều bệnh đáng sợ - 1

Các nguyên nhân gây hôi miệng

Thông thường, vấn đề dẫn đến hôi miệng phần nhiều là do sâu răng, bệnh về răng lợi, khoang miệng không vệ sinh sạch sẽ, chứng khô miệng, loét miệng vv. Trong đó đặc biệt là chứng khô miệng xảy ra nhiều ở người già bởi vì ban đêm bài tiết ít nước bọt, làm cho vi khuẩn trong khoang miệng không dễ được nước bọt tẩy rửa nên tạo ra hôi miệng.

Bên cạnh đó, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh chịu ảnh hưởng của thay đổi hoóc môn cũng sẽ dẫn đến hơi thở có mùi.

Ngoài ra, loét miệng nhiều cũng dễ hình thành hôi miệng. Loét miệng đa phần là do cơ địa từng người gây ra, nhưng cũng có thể là khối u hoặc các nguyên nhân khác. Nếu chỉ đơn thuần loét miệng vì thể chất, chỉ cần bôi thuốc do bác sỹ kê thì tình hình sẽ cải thiện.

Nguyên nhân làm cho khoang miệng lở loét phần nhiều là do thiếu vitamin nhóm B. Loại vitamin này thuộc dạng tan trong nước, cơ thể sẽ trao đổi rất nhanh, vì vậy mỗi ngày uống trên 5 cốc nước hoa quả, tăng hàm lượng vitamin nhóm B trong cơ thể để giảm nguy cơ.

Bên cạnh đó, y học hiện đại đã chứng minh rất nhiều loại bệnh như bệnh gan, phổi, thận, dạ dày cũng có thể dẫn đến hôi miệng. Nếu muốn thoát khỏi hôi miệng hãy tìm rõ nguyên nhân gây bệnh.

Hôi miệng - Báo hiệu nhiều bệnh đáng sợ - 2

Mùi tanh hôi- ung thư phổi

Viêm nhiễm phổi, viêm phế quản, viêm khí quản mãn tính, áp xe phổi, viêm phổi, phổi khí thũng thậm chí ung thư phổi đều dẫn đến hôi miệng ở các mức độ khác nhau.

Những khí mùi này do chất nhầy tích tụ trong phổi gây ra. Trong đó, người bị phổi áp xe thường kèm theo hôi miệng do acid phân hủy. Những người bị bệnh này thường bị sốt cao, khạc ra đàm, có mủ vv. Kiểm tra chụp phổi thường chẩn đoán ra.

Người bị lao phổi, khí quản, phế quản phình to thường có miệng hôi tanh mùi máu. Người bị ung thư phổi giai đoạn cuối thì khoang miệng và khí thở thường có mùi tanh hôi.

Mùi mục nát- bệnh viêm đường hô hấp trên

Các viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amiđan và viêm họng... đều sẽ bài tiết nhiều dịch chứa protein, một phần sẽ thoát qua nước mũi, phần còn lại chảy vào trong họng từ đường mũi. Những chất nhầy này bám dính lại ở cuống lưỡi hoặc họng sẽ sinh ra mùi hôi như mùi mục nát.

Mùi chua - bệnh dạ dày

Khi môn vị hẹp hoặc tắc nghẽn, thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu sẽ sinh ra mùi chua hôi thối và thoát ra qua khoang miệng.

Viêm thực quản trào ngược còn dẫn đến miệng hôi kiểu bệnh lý. Các chất nôn bám dính trong khoang miệng, cổ họng sẽ liên tục giải phóng ra “khí chua”. Thông thường sau khi tích cực chữa trị, chứng hôi miệng sẽ được cải thiện rõ rệt.

Mùi quả táo thối- ngộ độc axit pyruvic bệnh tiểu đường

Khi đường huyết của một người vượt ngưỡng, chất béo trong cơ thể phân giải sẽ sinh ra ketone body (chất tạo xeton), trong đó α-Ketoglutaric acid sẽ phát ra một mùi như quả táo chua thối.

Khi ngửi thấy mùi khí này, nồng độ chất tạo xeton trong cơ thể người bệnh đã rất cao, gần hoặc đạt tới mức độ ngộ độc chứng ketone của người bị tiểu đường, lúc này cần kịp thời đi khám, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Mùi khai nước tiểu- nhiễm độc niệu

Mùi khai nước tiểu là hơi thở đặc trưng của người bị bệnh thận hoặc viêm thận mãn tính. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn suy yếu chức năng thận mạn tính (trước đây được gọi là nhiễm độc niệu), do không có nước tiểu, một số chất độc tố không thể đào thải ra ngoài cơ thể mà tích tụ lại ở trong máu, từ đó sẽ làm cho luồng khí thở ra của người bệnh có mùi hôi như nước tiểu, đây là tín hiệu bệnh đang đi theo chiều hướng nghiêm trọng.

Mùi thối của chất đào thải - suy gan

Khi gan bị suy, chức năng trao đổi của gan suy yếu, chức năng phân giải độc tố thấp dẫn đến amoniac trong máu tăng cao, làm cho miệng thở ra mùi hôi thối có vị ngọt như mùi của chất đào thải, cũng được gọi là “mùi của chết chóc”. Khả năng trao đổi của một số nhánh chuỗi chuyển hóa axit amin trong cơ thể giảm sút còn dẫn đến mùi hôi như mùi táo thối.

Ngoài ra, còn có một số dạng hôi miệng là do bệnh tâm lý gây ra như rối loạn thần kinh tự chủ dẫn đến lo lắng, mất ngủ hoặc một số bệnh thần kinh nào đó.

Dương Hằng

Theo cancer