“Hội chứng” thuốc xách tay

(Dân trí) - Không chỉ các mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa “xách tay” là phổ biến. Mà dược phẩm, vốn là mặt hàng phải có chỉ định của thầy thuốc cũng được buôn bán dưới dạng “xách tay”, trong khi người dùng không tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc, chất lượng, thậm chí cả liều lượng dùng.

Thực phẩm chức năng biến thành “siêu dược phẩm trị bách bệnh”

Bà H trên đường Chiến Thắng (Văn Mỗ, Hà Đông) là một đầu mối cung cấp thực phẩm chức năng vốn là những viên vitamin các loại được chuyển về từ Mỹ qua đường xách tay. Bà cũng đã từng tham gia các buổi toạ đàm về các loại vitamin này. Ở Mỹ và các nước Châu Âu, họ dùng nó hàng ngày, sau, trước bữa ăn để đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vitamin cho cơ thể, tuy nhiên, với liều lượng nhất định ở từng đối tượng.

Nếu bà giới thiệu đúng công dụng của các loại thực phẩm chức năng này là một nhẽ, đằng này, bà lại “thổi phồng”, cho rằng đây là một “siêu dược phẩm trị bách bệnh”, từ béo phì, cao huyết áp, tim mạch, đau khớp, chóng mặt, nhức đầu… đến biếng ăn, còi xương ở trẻ em.

Giới thiệu với khách hàng, khi nào bà cũng mở đầu bằng từ “Giáo sư đi Mỹ mang về”, do gia đình bà quen thân nên ông để lại nhiều cho dùng, dùng không hết thì mới chuyển nhượng bớt cho những người thực sự có nhu cầu. Rồi bà nói, bà và con gái đã giảm được gần 10kg sau khi dùng thực phẩm này. Hơi đắt đỏ một chút, nhưng bù lại, giảm được hẳn tiền mua gạo, hoa quả, rau xanh. Vì mỗi ngày, nhờ những thứ đó bà ăn rất ít, thậm chí, bữa tối, bà chỉ uống 1 viên với 1 cốc nước, không ăn cơm mà vẫn rất khoẻ mạnh, nhanh nhẹn.

Quan trọng hơn việc giảm cân, từ ngày dùng thuốc, bà thấy khỏi hẳn chứng đau nhức người, huyết áp cao. Mà cô cháu ngoại của bà, năm nay mới 2 tuổi, mẹ nó cũng không phải bận tâm nhiều đến việc tính toán khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, cứ kệ nó thích ăn gì thì ăn, rồi mỗi ngày chu uống vài viên là đảm bảo đủ năng lượng để phát triển.

Theo những lời giới thiệu của bà, rất nhiều người tin rằng đây là một loại siêu dược phẩm trị bách bệnh, nên cắn răng mua dùng thử, dù giá không dưới 2triệu đồng/lọ vitamin. Hơn nữa, nhiều người nghĩ, đã là hàng ngoại, dùng kiểu gì cũng mang lại lợi ích.

Gặp hoạ vì sính hàng xách tay

Bà T ở Tứ Trưng, Vĩnh Tường lâu nay bị đau, nhức ở vùng lưng. Có cậu cháu đang học TS chuyên ngành Hoá - Dược tại Cananda, bà nhờ cháu mua thuốc bổ khớp, thỉnh thoảng lại gửi về cho dùng, bà thấy giảm hẳn tình trạng đau nhức khớp.

Đúng đợt hết thuốc, lưng lại đau nhức, trong khi cháu ngoại lại đang vào kỳ thi, gia đình không liên lạc được để cháu gửi thuốc về, mà bà thì nhất định chỉ uống loại thuốc ngoại đó. Vì thế, cô cháu của bà đang học năm thứ 3 ĐH đã tìm mua thuốc cho bà qua kênh thuốc xách tay rao bán trên mạng.

Nhìn đúng chủng loại thuốc, đựng trong lọ nhựa (hoặc thuỷ tinh), tên ghi bằng tiếng Pháp, nhưng lần này, nó lại hơi ngả màu vàng vàng chứ không trắng tinh như thuốc cháu gửi về. Nhưng tên thuốc, rồi mẫu mã đúng như vậy nên bà vẫn uống. Uống buổi sáng, đến chiều bà bị đau bụng dữ dội. Kiểm tra kỹ gia đình mới phát hiện lọ thuốc do bảo quản không được tốt, nắp lọ bị hở, không khí lọt vào nên thuốc đã bị hỏng.

TS Nguyễn Viết Lượng cho rằng, thực phẩm chức năng nói chung, các loại vitamin nói riêng chỉ tốt khi dùng đúng chỉ định, chất lượng thuốc đảm bảo và còn hạn sử dụng. Thế nhưng, đa phần các loại thuốc xách tay trên thị trường đều không có lời diễn giải bằng tiếng Việt, vì thế, rất nhiều người dùng thuốc tuỳ tiện theo cảm tính, không có liều lượng cụ thể.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, cũng khẳng định, bất cứ loại vitamin hay thuốc bổ nào, uống đều phải có liều lượng chứ không được dùng bừa bãi. Thiếu hay thừa vitamin đều gây nên những ảnh hưởng không tốt cho bé.

Nếu bé đã đủ canxi mà vẫn bổ sung canxi hàng ngày bằng thuốc sẽ gây tình trạng táo bón, tăng canxi trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải chất canxi dư thừa qua đường tiểu, lâu ngày sẽ bị vôi hóa thận, biểu hiện là nước tiểu có cặn đục trắng.

Vitamin D cũng là một dạng thuốc rất hay bị lạm dụng. Nhiều người đọc hướng dẫn sử dụng rồi cứ thế áp dụng cho con, không cần thăm hỏi ý kiến bác sĩ. Có những trẻ do uống quá nhiều vitamin D sẽ bị lên cơn co giật. Không chỉ thế, việc vừa uống canxi liều cao, vừa uống vitamin D nhiều sẽ gây tác dụng không tốt cho cơ thể.

Ngoài ra, uống thuốc không có chỉ định, thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng có thể gây dị ứng rất nguy hiểm. Theo GS TSKH Nguyễn Năng An, có đến 60% trường hợp ngộ độc hay sốc thuốc phản vệ là do người bệnh tự mua thuốc về điều trị, trong đó, không loại trừ tự mua thuốc qua kênh là hàng xách tay.

Cũng theo GS An, ở các nước trên thế giới, thuốc chỉ bán theo đơn và được quảng cáo ở các sách, tạp chí chuyên khoa y học, trong đó nói rõ chỉ định và những phản ứng phụ khi dùng thuốc. Riêng các loại vitamin tuy không cần bán theo đơn, nhưng họ đều có chỉ dẫn chi tiết về liều lượng, cách dùng. Vì thế, dù hàng xách tay đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng nhưng nếu không hiểu tiếng, dùng không đúng liều có thể gây hại cho sức khoẻ.

Một thành viên có nick Còm Phễu trên một diễn đàn chia sẻ, theo chị, việc sử dụng các loại vitamin tổng hợp có nguồn gốc xách tay là rất mạo hiểm. Vì chị đã từng có một “bài học” khi cho con uống theo cảm tính một loại vitamin D được một người bạn đi nước ngoài về tặng. Thay vì dùng liều dự phòng 2 giọt/ngày, chị đã dùng sang liều điều trị 4giọt/ngày cũng chỉ vì không hiểu chữ trên đó viết gì.

Hiệu quả đâu chưa thấy, chỉ thấy sau một thời gian, bé thêm biếng ăn, hay giật mình thon thót khi đi ngủ. “Đừng vì mong cho con khỏe mạnh, cao lớn, thông minh mà lạm dụng thuốc bổ, vitamin, nhất là không có chỉ định cụ thể, dùng thuốc theo cảm tính thì đó thực sự là một điều đáng lo ngại...”, chị nói.

Tuy nhiên, hiện rất khó kiểm soát nhóm dược phẩm xách tay, vì ở các nước, vitamin là nhóm thuốc được bán khá rộng rãi, đây là những loại thuốc được phép bán mà không cần kê đơn. Vì thế, quan trọng là ý thức của mỗi người, đừng nghĩ rằng thuốc bổ muốn bao nhiêu thì uống và dùng bao lâu thì dùng. Bởi thuốc luôn là "con dao hai lưỡi", thậm chí những loại thuốc an toàn nhất cũng có thể gây tác động không mong muốn.

Hồng Hải