Kiến thức giới tính

Hội chứng sợ... “vũ khí” của chồng

Đây có thể là nỗi sợ tự nhiên và hợp logic với những cô gái chưa từng “diện kiến” hay chưa từng nghe nói qua về “mặt mũi yếu nhân” của đàn ông trông như thế nào.

Nhiều cô lại dị ứng theo hướng… sợ bẩn, bởi dưới mắt họ đó là một công cụ bài tiết không hơn không kém.
 
Hội chứng sợ... “vũ khí” của chồng - 1


 

Sự thiếu thiện cảm của các cô còn có thể xuất phát từ lo ngại về sự bất tương thích của hai “đơn vị tương tác”. Cụ thể, nhiều cô gái trẻ rất khó hình dung được rằng “nơi tiếp nhận” của mình có thể giãn nở cho vừa với “bên kia”, kèm theo đó là nỗi sợ liên quan đến rách, vỡ, chảy máu, cấp cứu, xấu hổ… Sự lượng giá sai này hay rơi vào những trường hợp kích cỡ của phía bên kia hơi “khủng”, hoặc tân lang quá đường đột trong lần đầu gần gũi.

 

Không chỉ tự suy diễn, nhiều cô gái trẻ còn tự làm khó mình bởi sự tiếp nhận thông tin sai. Trong những lời tư vấn mà các cô nghe được, đôi khi người ta quá lời về sự đau đớn trong đêm tân hôn dành cho các cô gái trẻ. Tệ hơn, nếu nguồn tin lại đến từ những “hãng thông tấn” xóm, phường thì mức độ hù dọa thường được tăng thêm vài bậc.

 

Tuy vậy, có một chứng ám sợ hoàn toàn không phải do hiểu lầm hay thiếu trải nghiệm, đó là chứng ám sợ cơ quan sinh dục, ám sợ tinh dịch, ám sợ sự khỏa thân, thậm chí là sợ chính cuộc chăn gối (còn “phương tiện” bị ghét đơn giản chỉ là nạn nhân phụ).

 

Rất khó tìm thấy căn nguyên chứng bệnh này. Trong một số trường hợp, cô gái hồi bé vô tình chứng kiến cảnh ăn nằm của người thân, đâm ra mất cảm tình nặng với tình dục. Tình trạng này dễ xảy ra hơn nếu họ phải mục kích những “trận” chăn gối bạo lực. Có cô đơn giản là tận mắt nhìn thấy những cuộc đánh ghen có hơi hướng làm nhục phụ nữ trước đám đông.

 

Một lý do khác gây chứng ám sợ trên là nỗi lo có thai, sợ phá thai, sợ xấu hổ khi chuyện vỡ lở... Thậm chí những ám ảnh do chứng kiến cơn lâm bồn vật vã, khổ sở của mẹ, của chị hay của... diễn viên trên phim cũng có thể là nguyên nhân.

 

Dù do duyên cớ gì thì chứng kinh sợ này cũng cần được giải tỏa sớm, bởi nó không chỉ phá hỏng đêm tân hôn mà còn có thể dẫn đến di chứng “ghét của ghét luôn cả người”, cấm cửa luôn tân lang.

 

Các đức ông chồng sẽ là cơ sở điều trị “tuyến dưới” hiệu quả nhất. Bằng sự cảm thông, khuyên giải cộng với thời gian, sẽ không khó giải tỏa nỗi sợ tréo ngoe này. Vai trò vừa là bạn, vừa là chồng, vừa là thầy thuốc của tân lang rất quan trọng, trong đó có vấn đề thái độ. Nhiều quý ông khi phát hiện vợ sợ hãi hay không ưa chính “cái logo đàn ông” của mình đã khó chịu hoặc nổi đóa. Rõ ràng với một gương mặt hầm hầm như thế thì bệnh “mất cảm tình” của các cô càng thêm nặng.

 

Thật ra, nếu sự sợ hãi là do ngộ nhận thì đa số các cô sau một quá trình trải nghiệm “trước lạ sau quen”, mọi chuyện sẽ bình thường trở lại. Trường hợp do ám sợ hay do quá “bảo thủ”, cả thẹn thì có thể phải nhờ đến bác sĩ tâm lý. Nhiều trường hợp chỉ nhờ các “chuyên gia chân đất” như mẹ, chị, bạn bè... hay đơn giản nhờ cuộc tư vấn tình cờ của một nhân viên uốn tóc dẻo miệng mà khỏi “bệnh”.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống