Hoang mang sau ca tử vong tay chân miệng đầu tiên tại Hà Nội

(Dân trí) - Ca tử vong đầu tiên tại Hà Nội vì căn bệnh tay chân miệng đã khiến rất nhiều gia đình có con nhỏ tại Hà Nội, nhất là những người có con đang học mầm non, trở nên hoang mang, lo lắng.

Phát sốt vì lo lắng!

Mấy tháng trở lại đây, khi dịch tay chân miệng ầm ĩ ở phía Nam, người Hà Nội không mấy quan tâm vì bệnh dịch này chưa tới mình. Đến khi Hà Nội ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì mắc tay chân miệng thể nặng, bệnh nhi tử vong dù được đưa tới viện chỉ sau 1 ngày có sốt thì câu chuyện về tay chân miệng mới trở nên nóng hổi, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của con.

Phản ứng của cha mẹ các em học sinh mầm non trường mầm non số 5 phường Ngọc Hà, Hà Nội sau ca tử vong đầu tiên trong trường này là đồng loạt cho con nghỉ học. Sáng hôm qua, tại trường này chỉ có 52/488 trẻ đến lớp, trong khi ngày thường, học sinh đi học rất đều, thường đạt trên 400 trẻ.
 
Hoang mang sau ca tử vong tay chân miệng đầu tiên tại Hà Nội  - 1
Sáng 23/9, trường mầm non số 5 phường Ngọc Hà vắng lặng hơn ngày thường rất nhiều với 52 bé đến lớp. Ảnh: N.Toàn

Không chỉ riêng tại trường mầm non này, nhiều trường mầm non khác ở Hà Nội cũng thưa vắng học sinh hơn bình thường vì bố mẹ sợ tay chân miệng không cho con tới lớp. Như tại một lớp mẫu giáo nhỡ trường mầm tại khu đô thị Xa La, chiều qua cũng chỉ có 19 trẻ đến lớp. Ngày thường, con số đến lớp vẫn luôn đạt 25 - 26 bé.

Có con học tại lớp mẫu giáo lớn trường mầm non Sơn Ca, phường Phúc La, Hà Nội, chị N.T.V (Khu đô thị Văn Quán) tỏ ra rất lo lắng bởi lớp mẫu giáo lớn sĩ số trên 60 cháu. Nhưng chị cũng chẳng thể cho con nghỉ học vì nhà chỉ có hai vợ chồng đã phải đi làm. “Không lẽ đem con về quê gửi ông bà? Mà mình cũng phải nghe ngóng, tình hình mà căng lên chắc cũng phải vậy”, chị V chia sẻ.

“Phải mình, mình cũng cho con nghỉ học”, đó là lời khẳng định của chị Ngọc Dung, Vĩnh Tuy, Hà Nội. “Mỗi lần nhắc đến tay chân miệng, đặc biệt là ca tử vong của bé gái tội nghiệp, cả nhà mình đều phát sốt. Vì thế cũng đã bàn phương án, nếu tình hình có vẻ căng lên thì bà nội, ngoại từ quê sẽ luôn phiên lên chăm cháu. Không phải mình không tin trường lớp các con không đảm bảo vệ sinh, nhưng 3 cô trông tới 60 cháu, khó đảm bảo như bà chăm cháu được”, chị Dung chia sẻ.

Không chỉ những mẹ có con đang độ tuổi mầm non mới lo lắng, mà những người có con nhỏ đều đang lo lắng đến phát sốt về căn bệnh này.

“Bình thường, cả tháng mình mới rửa đồ chơi cho con lần. Nhưng từ hôm biết thông tin về ca tử vong này, mình rất hoảng. Thay vì để cả đống đồ cho con chơi, mình giờ chỉ chọn lọc những món bé thích, rồi tối nào khi con đi ngủ rồi cũng rửa bằng dung dịch rửa bình sữa, phơi khô ráo đến sáng sau con lại có đồ chơi. Đến lau nhà, giờ mình cũng pha dung dịch lau nhà đậm đặc hơn”, chị Hà ở khu đô thị Xa La chia sẻ.

“Từ ngày có tay chân miệng ở Hà Nội mình đâm ra “đa nghi”. Thấy em bé nhà hàng xóm có sốt là cũng “dỏng tai” lên nghe ngóng xem sốt gì. Rồi cũng cửa đóng then cài không cho con đi chơi, tránh tiếp xúc vì sợ tay chân miệng. Mà khi nào có vắc-xin tay chân miệng, nhất định mình sẽ cho con đi tiêm dù đắt tới đâu”, chị Thảo, khu đô thị Việt Hưng chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Bích Vân, hiệu trưởng trường mầm non số 5 cho biết, sau ca tử vong vì tay chân miệng của bạn cùng lớp, rất nhiều phụ huynh của các bé khác dù con không có biểu hiện gì nhưng cũng đã đưa con đi khám. Nhiều phụ huynh gọi điện bày tỏ, đến viện xin xét nghiệm xem có bị tay chân miệng không mà không được đồng ý. Bác sĩ đều tư vấn con đang khỏe, không có dấu hiệu gì không nhất thiết phải xét nghiệm.

Về vấn đề này, bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện nhi TƯ cho biết, hiện nay, không phải chỗ nào cũng thực hiện được xét nghiệm EV71, hơn nữa, đây là loại xét nghiệm khó và đắt tiền hơn rất nhiều, nên khi quyết định có thực hiện hay không phải được cân nhắc kỹ. Còn TS Trần Nhật An, Trưởng khoa lây, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho rằng cha mẹ tự cho con đi xét nghiệm tay chân miệng là không cần thiết và lãng phí. Vì thực tế, chỉ cần khi khám lâm sàng và kết luận là trẻ mắc tay chân miệng, các bác sĩ đã cho bệnh nhân điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tùy từng trường hợp mà được điều trị theo phác đồ nặng, nhẹ chứ không đợi kết quả xét nghiệm rồi mới điều trị.

Phòng tay chân miệng như thế nào?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi-rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, tiếp xúc với đồ chơi, đồ dùng dính dịch này của người bệnh… Vì vậy, để phòng bệnh, cả người lớn và trẻ phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng chloramin B 5% (nước khử trùng) hoặc xà phòng, nếu là bình sữa, bát, đĩa thì có thể luộc trong nước 100oC để khử trùng; hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung đồ dùng; ăn chín, uống chín, che miệng khi ho và hắt hơi.
 
Hoang mang sau ca tử vong tay chân miệng đầu tiên tại Hà Nội  - 2
Thường xuyên rửa đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn, phơi khô. Ảnh: H.Hải 
Hoang mang sau ca tử vong tay chân miệng đầu tiên tại Hà Nội  - 3
Và thường xuyên rửa tay xà phòng cho bé. Ảnh: H.Hải

“Nếu cắt được nguồn lây này, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi. Mà để phòng một bệnh lây qua đường tiêu hóa không có cách gì khác ngoài ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho bé”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai chia sẻ.

“Cha mẹ phải tạo thành thói quen, vài 3 tiếng lại rửa tay xà phòng diệt trùng cho bé một lần. Có những người, cả ngày không rửa tay cho con vì cho rằng bé chẳng làm gì bẩn. Việc bàn tay bé tiếp xúc với mặt sàn khi bò, bé cầm đồ chơi, cho vào miệng… đều là những hành vi nguy cơ. Mà ở trẻ nhỏ, rất khó ngăn thói quen này nên phải đảm bảo đồ chơi của bé luôn sạch sẽ, sàn nhà sạch, rửa tay thường xuyên… sẽ giảm được nguy cơ lây bệnh”, BS Điển khẳng định.

Ngoài phòng bệnh, việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Ở thể điển hình, các dấu hiệu rõ ràng với phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay chân. Nhưng cũng có những đứa trẻ rõ, có bé không rõ (bệnh nhi tử vong tại bệnh viện Nhi TƯ có ban nhưng không phải ban phỏng điển hình).

Vì thế, khi thấy con có dấu hiệu sốt, đầu tiên là phải theo dõi đáp ứng xem bé có dứt sốt sau khi dùng thuốc không. Nếu không đáp ứng thuốc hạ sốt (hạ sốt kém sau dùng thuốc, sau chườm ấm) thì cần phải đưa trẻ tới viện khám.

"Với một bác sĩ khi tiếp xúc với đứa trẻ ngay lập tức, rất khó phát hiện đây là thể tối cấp hay không tối cấp, do thời gian tiếp xúc ngắn, cảm nhận của người mẹ là quan trọng. Bác sĩ chỉ tiếp xúc vài phút, nhưng người mẹ tiếp xúc nhiều, cảm nhận chính xác nhất con mình đang ở giới hạn nào. Ví như tiếng khóc của đứa trẻ, nó khóc đau đớn, hờn dỗi hay giận dữ. Vì thế, sự quan sát của người mẹ rất quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn”, bác sĩ Điển nói.

Các phụ huynh cần lưu ý tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu sốt cao ≥ 390C; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê.

Hồng Hải