Hiểu đúng về dinh dưỡng thực phẩm

Nhiều người cho rằng đậu phụ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho phái đẹp. Tuy nhiên phụ nữ tuổi mãn kinh được khuyến cáo không nên quá lạm dụng thực phẩm này. Tương tự, nếu muốn ăn kiêng, không nên cố gắng ăn càng ít đường càng tốt mà quan trọng là xác định hấp thụ loại đường nào.

Đậu nành chưa hẳn đã tốt cho phụ nữ mãn kinh

 

Các thực phẩm có nguồn gốc đậu nành và các thực phẩm bổ sung là lựa chọn của nhiều phụ nữ, nhất là với phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Lý do là loại hạt này chứa các chất phytooestrogen gần giống với nội tiết tố nữ (estrogen) được xem là giải quyết tạm thời việc thiếu hụt các nội tiết tố do buồng trứng tiết ra.

 

Tuy vậy, người ta không thể khuyên phụ nữ dùng chất phytooestrogen của đậu nành thay cho nội tiết tố nữ vì:

 

- Hiệu quả đối với các cơn bốc hỏa chưa được chứng minh.

 

- Không tạo hiệu quả thuyết phục trong việc chống lại chứng loãng xương của phụ nữ ở tuổi mãn kinh (không làm giảm tỉ lệ gãy xương) cũng như hỗ trợ gắn chất khoáng vào xương giúp gia tăng tỉ trọng xương.

 

- Việc bảo vệ phụ nữ tuổi mãn kinh chống lại ung thư cũng khó mà khẳng định.

 

Không nên giảm bớt lượng đường

 

Chuyện nghe có vẻ trái ngược nhưng muốn chống lại bệnh béo phì không nên ăn ít đường, mà ngược lại, cần bổ sung đường, vấn đề là đường nhanh hay đường chậm, đường đơn giản hay đường phức tạp.

 

Thật ra, cần phải tái tạo lại sự cân bằng năng lượng và thay thế mỡ trong khẩu phần ăn bằng các loại đường phức tạp (từ tinh bột). Vì thế, việc giảm bớt lượng đường sẽ đúng nếu giảm bớt việc hấp thu các loại đường đơn giản không dự phần trong các phản ứng biến dưỡng phức tạp như saccharoz.

 

Các loại nước giải khát có gaz (soda) và các loại nước ngọt thực sự là kẻ thù của cơ thể vì số thặng dư calori từ loại đường nhanh này sẽ chuyển thành chất mỡ dư thừa. Vì vậy, cần xác định rõ các loại đường dùng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

 

Nên gia tăng tiêu thụ chất béo omega 3

 

Các nhà khoa học cho rằng, các acid béo omega 3 có những tính chất quí giá không thể chối cãi để chống lại các bệnh tim mạch như cao huyết áp và cao triglycerid. Afssa nhấn mạnh rằng, chúng ta vẫn còn tiêu thụ quá ít omega 3 (0,1 – 04%), mức tiêu thụ này cần được nâng lên 0,8% tổng năng lượng cung cấp hàng ngày. Ngoại trừ cá béo được mọi người biết đến, còn có nhiều thực phẩm giàu omega 3 khác như dầu đậu nành, hải sản, rau xanh, dầu cải…

 

Cần bổ sung nhiều i-ốt

 

I-ốt là khoáng chất cần thiết cho việc tạo lập các nội tiết tố của tuyến giáp. Điều này rất cần thiết cho phụ nữ mang thai (để phát triển trí não của bào thai), trẻ em, thiếu niên và cả người lớn.

 

Các nghiên cứu chỉ rõ rằng, 17% phụ nữ mang thai thường có biểu hiện thiếu hormon tuyến giáp ở cuối thai kỳ và 11% bị bướu giáp. Các nguy cơ sẽ trở nên trầm trọng hơn ở tuổi thiếu niên và người lớn.

 

Để tránh thiếu hụt, cần bổ sung iod trong nước biển và các thực phẩm giàu iod như cá, nghêu, sò, ốc, hến... Tuy nhiên, trứng và các sản phẩm từ sữa cũng là nguồn cung cấp iod đáng chú ý.

 

 

Theo Sài Gòn & Tiếp Thị