Hẹp bao quy đầu, khó thành “đàn ông”?

(Dân trí) - Nhiều bà mẹ không để ý việc con mình bị chít hẹp bao qui đầu, không vệ sinh sạch sẽ “cục cưng” mỗi khi tắm làm trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Hậu quả là khi đến tuổi trưởng thành, các chàng trai sẽ khó khăn trong việc thực hiện “nghĩa vụ đàn ông”.

Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân phải mổ, một số do xấu hổ không khám và điều trị nên có nguy cơ ung thư dương vật.

 

Chít hẹp bao qui đầu là gì?

 

Bao qui đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ qui đầu của dương vật. Chít hẹp bao qui đầu là tình trạng vòng bao qui đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao qui đầu.

 

Đa số chít hẹp bao qui đầu là do bẩm sinh. Trẻ có dấu hiệu đái khó và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ trong khi bao qui đầu chứa đầy nước tiểu căng phồng lên, vuốt nhẹ da bao qui đầu ra phía sau không nhìn thấy lỗ đái.

 

Một số trường hợp bệnh gặp ở trẻ lớn, do vệ sinh không tốt nên bị viêm nhiễm vùng qui đầu, vị trí lỗ bao qui đầu có vòng xơ trắng đục, niêm mạc bao qui đầu có thể dày lên bất thường và xơ hoá.

 

Biến chứng chít hẹp bao qui đầu

 

- Viêm nhiễm tại chỗ vùng qui đầu, trường hợp viêm nặng có thể gây dính chặt niêm mạc bao qui đầu vào qui đầu, việc điều trị sẽ rất khó khăn.

 

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu làm ảnh hưởng tới chức năng bài tiết và bài xuất của hệ tiết niệu, lâu ngày có thể gây suy thận.

 

- Nghẹt qui đầu, có thể gây hoại tử qui đầu nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

 

- Ung thư dương vật.

 

Có nên cắt bỏ bao qui đầu khi bị chít hẹp?

 

Trước đây, khi phát hiện bị chít hẹp bao qui đầu ở bệnh nhân trên 4 tuổi, đa số các chuyên gia y tế khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ da bao qui đầu. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, da bao qui đầu có các chức năng quan trọng như: bảo vệ qui đầu, nhạy cảm tình dục, kích thích trong quá trình giao hợp..., cho nên xu hướng hiện nay là điều trị nội khoa bảo tồn và hạn chế tối đa phẫu thuật cắt bỏ da bao qui đầu.

 

Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp: bao qui đầu có vòng xơ trắng, bao qui đầu quá dài, bao qui đầu không thể nong rộng, nghẹt bao qui đầu.

 

Làm gì khi phát hiện trẻ bị chít hẹp bao qui đầu?

 

Hầu hết trẻ bị hẹp bao qui đầu bẩm sinh sẽ tự khỏi khi lớn lên. Trẻ dưới một tuổi nếu không bị nhiễm khuẩn tiết niệu thì chưa cần phải làm gì.

 

Trẻ trên một tuổi, nếu không bị nhiễm khuẩn tiết niệu, các bà mẹ có thể làm rộng dần bao qui đầu bằng cách, hàng ngày khi tắm cho trẻ, dùng tay vuốt ngược da bao qui đầu về phía gốc dương vật để có tác dụng nong rộng dần lỗ bao qui đầu cho đến khi bao qui đầu lộn được như bình thường.

 

Trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu thì phải điều trị kháng sinh cho hết đợt nhiễm khuẩn, sau đó thực hiện làm rộng dần bao qui đầu theo phương pháp trên hoặc đến các cơ sở y tế để nong rộng lỗ bao qui đầu bằng Pince.

 

Đề phòng chít hẹp bao qui đầu

 

Các bà mẹ khi tắm cho trẻ, dùng tay lộn nhẹ nhàng da bao qui đầu để vệ sinh sạch sẽ toàn bộ qui đầu, sau đó lộn da bao qui đầu về vị trí cũ để che phủ qui đầu.

 

BS Trần Văn Phúc

(Bệnh viện Xanh Pôn)