Hệ thống xét nghiệm y tế:Lộn xộn chưa thể chấm dứt!

(Dân trí) - “Năm 2008, Bộ Y tế bắt đầu triển khai dự án chuẩn hoá hệ thống xét nghiệm trong ngành y tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hiện tượng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau vẫn diễn ra!”.

Đó là thừa nhận của TS Lý Ngọc Kính (ảnh), Vụ trưởng Vụ điều trị, Bộ Y tế, trước thực trạng người dân phải thực hiện quá nhiều xét nghiệm mỗi khi đi khám bệnh.

 

Thưa TS, hiện tượng các bệnh viện không công nhận kết quả của nhau đã tồn tại từ rất lâu. Vì sao vấn đề vẫn chưa thể giải quyết?

 

Ngoài nguyên nhân có những bệnh nhân phải làm xét nghiệm lại vì thời gian làm xét nghiệm trước quá lâu, không còn giá trị chẩn đoán hoặc có những xét nghiệm thay đổi theo từng thời điểm khác nhau... thì cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là hiện nay, hệ thống xét nghiệm của chúng ta còn quá thiếu thốn và lạc hậu, đặc biệt là ở những tuyến dưới.

 

Chẳng hạn một chiếc máy siêu âm có thời gian sử dụng khoảng 10 năm thì phải thay thế. Vậy mà hiện đa số các loại máy này ở tuyến dưới đều quá hạn sử dụng, chưa biết đến bao giờ mới được thay. Đã thế, đa phần các loại hoá chất đi kèm với máy móc lại không đồng bộ, hoá chất loại mới nhưng lại dùng cho máy cũ do không tìm được hoá chất sử dụng cho loại máy đó nữa. Bên cạnh đó, tay nghề của bác sĩ xét nghiệm khác nhau, cũng có khi cho ra kết quả khác nhau. Trong siêu âm chẳng hạn, nếu thay đổi tư thế có khi sẽ phát hiện ra khối u hoặc bất thường của người bệnh. Chính vì vậy, bác sĩ tuyến trên thường không yên tâm với xét nghiệm tuyến dưới.

 

Tuy nhiên, tình trạng các bệnh viện Trung ương không công nhận kết quả của nhau cũng vẫn diễn ra?

 

Cho đến nay, Bộ vẫn chưa xây dựng chuẩn xét nghiệm nên việc thực hiện đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện mang tính tự phát. Do đó dẫn đến tình trạng xét nghiệm của bệnh viện nào thì nơi đó công nhận, một trong những nguyên nhân gây lạm dụng xét nghiệm. Bộ cũng biết vậy nhưng đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, bởi cần có sự đầu tư đồng bộ về máy móc, tay nghề. Nhưng vấn đề khó khăn nhất chính là kinh phí. Không có tiền thì quá trình chuẩn hoá cũng phải từ từ mà làm.

 

Người dân sẽ phải đợi bao lâu thì lộ trình chuẩn hoá ấy mới diễn ra?

 

Hiện Bộ Y tế đang lập đề án Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm cận lâm sàng. Bộ sẽ đầu tư khoảng 20 tỉ phục vụ xây dựng 3 TT xét nghiệm đạt chuẩn về đào tạo và quy trình thực hiện ở các bệnh viện Bạch Mai, TƯ Huế và Chợ Rẫy. Các bệnh viện khác cứ căn cứ vào chuẩn này để xây dựng theo.

 

Sau khi tuyến TƯ đạt chuẩn xong sẽ chuyển giao cho tuyến dưới. Kinh phí cho vấn đề này rất lớn nên Bộ đang kêu gọi, tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức nước ngoài.

 

Xin cảm ơn ông!

 

P.Thanh (thực hiện)