Hệ thống điều trị đột quỵ yếu kém khiến người bệnh chới với

(Dân trí) - Cả khu vực phía Nam, số bệnh viện tuyến cơ sở có đơn vị đột quỵ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những yếu kém từ nhận thức đến chuyên môn, thiếu thiết bị can thiệp khiến người bệnh mất thời gian vàng, sự thành công trong điều trị và cơ hội sống trở nên mong manh.

Tử thần mang tên đột quỵ

Căn bệnh đột quỵ đang trở thành vấn đề y tế toàn cầu bởi mức độ gia tăng và sự nguy hiểm của nó ngày càng phát triển theo cấp số nhân. Tổ chức y tế thế giới đánh giá, đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba cho nhân loại sau ung thư và tim mạch. Dự báo, đến năm 2020 bệnh đột quỵ sẽ vươn lên chiếm vị trí dẫn đầu trong số những nguyên nhân gây tử vong cho con người.

Bệnh đột quỵ đang như bóng ma đe dọa cộng đồng
Bệnh đột quỵ đang như "bóng ma" đe dọa cộng đồng

Phân tích chuyên môn của TS.BS Trần Chí Cường, Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Dược, Chủ tịch Hội Thần kinh, TPHCM chỉ ra, xã hội công nghiệp đang khiến con người đối mặt với hàng loạt nguy cơ gây đột quỵ từ thức ăn mặn, thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, lười vận động, thường xuyên căng thẳng do môi trường công việc. Bên cạnh đó sự gia tăng của các bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, béo phì cũng trở thành tác nhân gây đột quỵ.

Mặt khác, căn bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Nếu trước đây, số ca bệnh đột quỵ thường hay gặp ở người già thì đến nay bệnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang giới trẻ, nhiều người trong độ tuổi lao động đã lâm vào cảnh thập tử nhất sinh do căn bệnh này gây ra. Đây là hệ quả tất yếu từ việc quá nhiều người trẻ lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá.

Lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và ăn uống điều độ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, trên thực tế cộng đồng đang thờ ơ với những khuyến cáo từ các chuyên gia y tế và tự đẩy mình vào hiểm nguy. Căn bệnh này xảy ra đột ngột không có dấu hiệu cảnh báo, khi người bệnh nhận thức được các triệu chứng thì tình trạng bị tắc mạch máu gây chết não hoặc vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não đã bắt đầu hủy hoại sự sống.

TS.BS Chí Cường chỉ ra các triệu chứng cơ bản thường gặp ở người đột quỵ gồm: méo miệng, méo mặt, tay chân yếu, giọng nói méo mó. Nếu xuất hiện một trong các biểu hiện trên, cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ và tới bệnh càng sớm càng tốt. Ngoài khả năng gây ra những cái chết tức tưởi cho người bệnh, đột quỵ còn khiến nạn nhân bị rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần và ngôn ngữ, liệt toàn thân, co giật, động kinh… Không chỉ mất khả năng lao động, người đột quỵ còn phải lệ thuộc hoàn toàn vào người khác, tạo gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần cho thân nhân, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội.

Xử lý đột quỵ yếu từ cộng đồng đến bệnh viện

Trao đổi với phóng viên về sự cấp thiết trong xử trí, can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ, ThS.BS Nguyễn Bá Thắng, Phó trưởng khoa Thần kinh, kiêm Trưởng Đơn vị Đột quỵ, bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM nhấn mạnh: “Điều trị đột quỵ là chuỗi phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ đa chuyên khoa từ cấp cứu ban đầu, chuyển viện tới tiếp nhận cấp cứu, phối hợp các chuyên khoa về thần kinh, chẩn đoán hình ảnh… để kịp thời xử trí đúng chuyên môn cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng đến khi được can thiệp càng sớm càng tốt. Mỗi phút đột quỵ trôi qua là thêm một phần não bệnh nhân bị chết, một phần sự sống cũng vơi đi.”

Một bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM
Một bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM

Số liệu thống kê tại Mỹ, có khoảng 10% bệnh nhân bị đột quỵ được phát hiện và can thiệp sớm nên sau điều trị, sức khỏe hoàn toàn bình phục; khoảng 25% gặp di chứng nhẹ; 40% di chứng nặng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, người đã trải qua đột quỵ nhưng sức khỏe hoàn toàn bình phục là con số rất hiếm, nếu may mắn thoát chết họ cũng gặp phải nhiều di chứng.

Thực tế trên xuất phát từ sự yếu kém trong nhận thức của cộng đồng đến can thiệp chuyên môn ở các bệnh viện tuyến cơ sở. ThS.BS Bá Thắng chỉ ra, hiện nay kiến thức sơ cứu những ca bệnh đột quỵ của người dân còn rất hạn chế, trên các trang mạng xã hội đang tràn ngập những thông tin sơ cứu người đột quỵ bằng phương pháp cắt lể, nặn máu ở đầu chi, cạo gió, bấm huyệt. Những phương pháp này hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học hay đúng hơn là phản khoa học.

Phân tích chuyên môn của ThS.BS Bá Thắng cho thấy, đột quỵ khiến người bệnh bị xuất huyết sâu trong não hoặc bị cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Việc cắt lể, bấm huyệt không thể làm giảm tình trạng xuất huyết, càng không thể giải quyết được cục máu đông mà còn kéo dài thời gian sơ cứu, chuyển viện khiến người bệnh mất đi thời gian vàng trong 3 giờ và 6 giờ đầu sau đột quỵ. ThS.BS Bá Thắng khuyến cáo, việc sơ cứu ban đầu chỉ nên thực hiện các kỹ thuật khơi thông đường thở cho bệnh nhân, giúp sức để bệnh nhân không bị té ngã và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Ở góc độ điều trị, can thiệp những ca đột quỵ tại bệnh viện tuyến cơ sở, các bác sĩ cho rằng, hệ thống y tế trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Đa phần bệnh nhân đột quỵ đều được chuyển đến cấp cứu ở bệnh viện tuyến đầu. Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam các bệnh viện tuyến cơ sở có đơn vị đột quỵ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặt khác, do trình độ chuyên môn hạn chế của y bác sĩ cùng với thực trạng quá tải và thiếu trang thiết bị khiến nhiều bệnh nhân không được can thiệp sớm hoặc bị bỏ qua do người làm chuyên môn không nhận biết được các triệu chứng của đột quỵ khiến tình trạng xuất huyết, tắc mạch ở bệnh nhân nặng thêm.

Có thể điều trị hiệu quả đột quỵ

Nhấn mạnh việc chẩn đoán ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ là khâu quan trọng mang tính chất quyết định trong việc điều trị, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, từ năm 2015 đến nay, y học thế giới đã có đầy đủ các bằng chứng khoa học để khẳng định bệnh đột quỵ có thể được can thiệp thành công bằng phương pháp điều trị nội khoa và can thiệp phẫu thuật.

Diễn viên Mã Văn Trung bị đột quỵ khi đang đóng phim trong bệnh viện may mắn được cứu kịp thời
Diễn viên Mã Văn Trung bị đột quỵ khi đang đóng phim trong bệnh viện may mắn được cứu kịp thời

Do đó, với những ca bệnh bị tắc tĩnh mạch ở giai đoạn cửa sổ trong 3 giờ đến 6 giờ đầu, việc điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan máu đông là giải pháp hữu hiệu. Với bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn hoặc vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết, kỹ thuật can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông, thông mạch máu và bít lỗ vỡ mạch máu, ngăn chặn xuất huyết có thể cho hiệu quả thành công lên tới 80%.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được được những kỹ thuật này các bác sĩ phải có đủ trang thiết bị và năng lực chuyên môn để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Một chỉ định sai lầm có thể dẫn đễn hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như ở bệnh nhân bị vỡ mạch máu nhưng bác sĩ chẩn đoán bị tắc mạch và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết sẽ khiến tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.

Vân Sơn