Hãy quẳng đi gánh lo về sức khỏe!

(Dân trí) - Hôm nay, bạn đã ăn đủ lượng rau cần thiết? Bạn có dành 1 tiếng tập thể dục, giảm lượng chất béo bão hòa trong bữa ăn và ngủ đủ 8 tiếng? Vậy nhưng thực tế là chúng ta chẳng bao giờ thực hiện được tất cả những việc nên làm đó.

 
Hãy quẳng đi gánh lo về sức khỏe! - 1
Sống vô tư!

 

Có thể bạn là một ông bố, bà mẹ không có thời gian cho việc tập thể dục hoặc một người ăn kiêng đang cố gắng giảm 10 cân hay một người cực kỳ bận rộn chỉ ngủ 6 tiếng một ngày, dù thế nào thì bạn cũng không thể tuân theo đầy đủ các quy tắc sống khoẻ mạnh. 

 

TS Susan M. Love, giáo sư khoa phẫu thuật của trường Y David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles, một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về sức khoẻ phụ nữ, đã đưa ra một quy tắc mới: Hãy quẳng đi gánh lo về sức khoẻ. Trong cuốn sách mới, bà viết: “Sống vô tư đi! Phá vỡ các quy tắc sẽ không phá hỏng sức khoẻ của bạn”, TS Love cho thấy hầu hết chúng ta đang sống điều độ hơn ta tưởng.

 

Bà cho biết sự thất bại trong việc cố gắng sống theo tất cả những quy tắc về sức khoẻ thường gây ra stress và cảm giác day dứt khó chịu, đặc biệt là đối với phụ nữ.

 

Bà đã nói trong một buổi phỏng vấn: “Có phải mục đích của chúng ta là bất tử không? Tất nhiên là không. Mục đích thực sự là sống lâu nhất có thể với chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể. Nhưng phần lớn những người phụ nữ tôi gặp luôn sợ rằng họ sẽ chết nếu không ăn đủ một cốc quả việt quất mỗi ngày”.

 

Cuốn sách được bà viết cùng giáo sư của trường Harvard, ông Alice D. Dormar và các nhân viên tâm lý cao cấp tại trung tâm y tế Beth Israel Deaconess. Cuốn sách đã đưa ra lời khuyên trong 6 lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ: ngủ, stress, sự bảo vệ cơ thể, dinh dưỡng, tập thể dục và những mối quan hệ.

 

Quan trọng là cảm giác bản thân!

 

“Tất cả mọi thứ đều là một đường cong hình shin. Có những giai đoạn trong đời bạn có quá nhiều thứ này hoặc quá ít thứ kia, nhưng thực ra ở giữa là tốt nhất, và phần lớn chúng ta đã ở đó sẵn rồi. Vì vậy không cần quá lo lắng về sức khoẻ”, bà cho biết.

 

Lấy ví dụ như chủ đề về giấc ngủ. Phần lớn mọi người đều tin rằng ngủ 8 tiếng một ngày là tốt nhất. Tuy nhiên, những nghiên cứu về cơ sở của niềm tin này chỉ xem xét mức độ ngủ của đàn ông và phụ nữ dưới những điều kiện lý tưởng: yên tĩnh, tối tăm và không có việc gì đáng quan tâm ngoài việc ngủ. Những nghiên cứu này cho biết con người sẽ ngủ bao lâu khi không có việc gì cần phải làm một cách chung chung chứ không cho biết chúng ta thực sự cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngủ ít đi.

 

Một báo cáo vào năm 2002 trong hồ sơ lưu trữ về tâm thần học đã nghiên cứu về vấn đề này bằng cách so sánh thói quen ngủ với khả năng tử vong. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người ngủ 7 tiếng một đêm là những người có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong suốt 6 năm diễn ra cuộc nghiên cứu. Ngủ nhiều hơn 7 tiếng hay ít hơn 5 tiếng một ngày làm tăng khả năng tử vong. Nghiên cứu đã đưa ra những nghi ngờ về độ chính xác của “quy tắc 8 tiếng”.

 

Sự thật là nhu cầu ngủ của mỗi người thì khác nhau. Có những người thì cần ngủ rất ít trong khi một vài người khác thì lại ngủ nhiều hơn mức trung bình. “Giấc ngủ luôn là vấn đề đối với phụ nữ. Chúng ta nên thực tế hơn một chút. Nếu bạn luôn cảm thấy buồn ngủ thì nghĩa là bạn cần ngủ nhiều hơn. Nếu bạn cảm thấy ổn khi ngủ 6 tiếng một ngày thì không cần phải lo lắng gì về điều đó cả”, TS. Love cho biết.

 

Cũng như vậy, mặc dù thể dục là điều quan trọng, nhiều người không hề tính đến giá trị của những công việc hàng ngày như mang vác đồ đạc, lau dọn nhà cửa hay chơi đùa với trẻ con.

 

Các chuyên gia sức khoẻ đã thống nhất rằng sự vừa phải, cân đối là quan trọng và mọi người không nên lo lắng quá mức về sức khoẻ của mình. Trở lại với cuốn sách về quy tắc sống mới - Hãy quẳng đi gánh lo về sức khoẻ -  của TS. Love, bà cho biết: “Vấn đề ở đây là bạn phải biết dùng cảm giác của chính bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy tốt thì hãy cứ làm như vậy. Bạn chỉ cần cảm nhận cơ thể mình, sống thoải mái và không cần lo lắng gì cả”.

 

Kim Chi

Theo New York Times