Hàng chục viên sỏi “chất đống” trong đường mật người bệnh

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội hạ sườn phải và vùng thượng vị kèm sốt, lạnh run. Kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ phát hiện hàng chục viên sỏi nằm “chất đống” trong đường mật đã gây nhiễm trùng.

Ngày 18/5, BS Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho hay tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị nhiễm trùng rất nặng do sỏi túi mật và sỏi trong gan gây nên.

Nữ bệnh nhân là chị N.T.D (35 tuổi) nhập viện cấp cứu với các triệu chứng sốt, lạnh run, đau hạ sườn phải và vùng thượng vị cấp tính. Sau khi khám, xét nghiệm và chụp CT-Scanner, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật dọa sốc do sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật và sỏi trong gan phải gây giãn đường mật trong và ngoài gan.

Số lượng rất lớn sỏi đường mật, sỏi trong gan người bệnh được bác sĩ lấy ra ngoài
Số lượng rất lớn sỏi đường mật, sỏi trong gan người bệnh được bác sĩ lấy ra ngoài

Trước tình trạng nguy cấp, có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh, các bác sĩ đã thực hiện cuộc mổ cấp cứu cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, đặt dẫn lưu ống mật chủ giải áp đường mật.

BS-CKI Tăng Bá Dũng, Trưởng ê-kíp phẫu thuật cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành mở ống mật chủ (OMC) lấy ra nhiều sỏi. Tuy nhiên, do lượng sỏi quá nhiều nên không thể lấy ra hết tất cả. Ê-kíp phẫu thuật quyết định đặt dẫn lưu bằng ống Kehr để giải quyết tình trạng tắc mật gây nhiễm trùng cho bệnh nhân trước và sẽ tán sỏi tiếp sau”.

Theo BS-CKI Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, vì bệnh nhân có rất nhiều sỏi đường mật trong và ngoài gan nên sẽ rất khó để giải quyết triệt để 1 lần. “Việc lấy sỏi qua đường hầm ống Kehr là cách giải quyết sỏi còn trong đường mật trong gan rất hiệu quả và an toàn với tỷ lệ hết sỏi cao và ít biến chứng”, BS Hóa giải thích.

Sau nhiều tuần được can thiệp, điều trị tích cực, sức khỏe của người bệnh đã bình phục tốt.

Từ ca bệnh trên, BS Mai Hóa khuyến nghị: Để tránh nguy cơ mắc bệnh cũng như tái phát sỏi sau can thiệp, phẫu thuật, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung cần có chế độ ăn uống, vận động khoa học như: sử dụng thức ăn ít cholesterol; ăn nhiều rau củ quả; ăn đủ 3 bữa mỗi ngày; tăng cường vận động cho cơ thể. Bởi sỏi mật hình thành do mất cân bằng các thành phần muối mật, bilirubin, và cholesterol.

Vân Sơn