Xông sinh không đúng cách:

Hại người làm hơn người sử dụng!

(Dân trí) - Dùng lưu huỳnh bảo vệ đông dược là cách xử lý được cả thể giới áp dụng. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh, sản xuất đông dược ở Ninh Hiệp phớt lờ những nguyên tắc quan trọng trong xông sinh, gây ảnh hưởng trước tiên và trực tiếp đối với sức khỏe của chính họ.

BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội đông y Việt Nam cảnh báo về cách xông sinh đông dược rất “ẩu” của nhiều người dân làng Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.
 
Theo BS Hướng, lò xông sai quy cách, người làm không có phương tiện bảo hộ lao động, phơi lưu huỳnh ngay giữa đường làng… sự tiếp xúc với khói lưu huỳnh, hít phải bụi lưu huỳnh trực tiếp đều gây những ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
Hại người làm hơn người sử dụng! - 1
Việc các hộ kinh doanh phơi lưu huỳnh giữa đường làng, rồi quây lò xông sinh bằng cót ép, phủ nilông sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người xung quanh, đặc biệt là trẻ em (Ảnh: Nhị Sinh)

“Những người ở trong cùng môi trưởng ảnh hưởng của khói bụi lưu huỳnh thì đều có nguy cơ bị dị ứng với chất này. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có biểu hiện đau đầu, ngạt mũi, khó thở. Nhất là với trẻ em, mùi, bụi lưu huỳnh chính là nguyên nhân gây tình trạng viêm phế quản phổi. Còn dị ứng ở mức độ nặng, có nguy cơ gây ngộ độc máu, thậm chí tử vong”, BS Hướng khẳng định.

Còn trong đông dược, xông sinh là phương pháp phổ biến để bảo quản thuốc. Tuy nhiên, không phải loại thuốc nào cũng phải xông sinh mà chỉ có một số vị thuốc như nhân sâm, đương quy, ngưu tất và một số vị lá thường bảo quản bằng xông lưu huỳnh. Việc đông dược xông lưu huỳnh cũng không độc hại gì khi được xông trong lò đúng quy cách với liều lượng hợp lý vì sau khi xông, người ta lấy đông dược ra phơi, đợi hơi lưu huỳnh bay hết mới cho vào túi cất đi. Số thuốc này trước khi sắc được rửa sạch thì không lo ảnh hưởng cho sức khoẻ nữa.

“Lò xông lưu huỳnh đúng quy cách là lò xây gạch kín hoặc đắp bùn kín, gắn thang thành nhiều tầng để đông dược được xếp theo từng tầng trong lò. Sau khi đưa lưu huỳnh vào dưới đáy lò, đốt lên phải đóng kín nắp lò,không để khói len ra ngoài mới đúng quy cách, mới không ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người xung quanh”, BS Hướng nói.

Còn nếu chỉ quây lò bằng cót ép như nhiều người vẫn làm, rồi phủ túi ni-lông ra ngoài thì khói lưu huỳnh toả ra ngoài nhiều, người hít phải sẽ thấy hắc hắc, ngai ngái khó chịu, ngửi nhiều đau đầu, ngạt mũi, viêm phế quản. “Đặc biệt nguy hiểm là người dân ủ thuốc với lưu huỳnh ngay trên đường làng sẽ khiến gió phát tán bụi, hơi lưu huỳnh đi xa. Còn với người trực tiếp xông sinh, bốc lưu huỳnh bằng tay, không có phương tiện bảo hộ như khẩu trang chống bụi… thì ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ. Với trường hợp này, có thể nói, xông sinh lưu huỳnh, người làm bị độc hơn rất nhiều so với người sử dụng đông dược”, BS Hướng cảnh báo.

Hồng Hải