Hà Nội: Liên tiếp các ca ngộ độc thực phẩm

(Dân trí) - “Khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tăng vọt. Ngày cao điểm Trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân, chủ yếu ngộ độc do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai cho biết.

Ngay sáng ngày 8/4, cùng ngày với lễ phát động Tháng Vệ sinh An toàn Thực phẩm của Bộ Y tế, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc do ăn thức ăn đường phố. Đó là anh Đoàn Văn Bình, 34 tuổi, ăn mỳ xào thịt bò tại một quán bia hơi trên đường Thái Thịnh; anh Ngô Tuấn Phong, 27 tuổi, ăn phở gà; bà Trần Thị Bích Lộc (51 tuổi, trú tại Giáp Bát, Hà Nội), ăn cơm bình dân có tôm, đậu, giá đỗ ở một quán vỉa hè cạnh bến xe Giáp Bát.

 

Tiếp đó, ngày 9/4, thêm hai bệnh nhân bị ngộ độc cũng có nguyên nhân từ thực phẩm nhiễm khuẩn. Bệnh nhân Đỗ Quỳnh Trang, 30 tuổi ở 85 Giáp Bát, ăn cơm ở quán. Võ Xuân Hà, 32 tuổi, HN cũng vào viện trưa 9/4 do ngộ độc thực phẩm.

 

Biểu hiện

 

BS Nguyên cho biết, người bị ngộ độc thực phẩm thường bị nôn, đi ngoài, làm người bệnh rất đau đớn, khó chịu. Nguyên nhân là do bị tụt huyếp áp, mất nước, mất muối, gây nhiễm trùng.

 

Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người có bệnh lý tim mạch…

 

Nguyên nhân

 

Theo bác sĩ Nguyên, thời điểm chuyển mùa xuân – hè được xem là “mùa” ngộ độc thực phẩm. Môi trường nóng, ẩm là yếu tố thuận lợi để các vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhanh hơn. Kết quả tất yếu là thời tiết càng nóng, số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm càng tăng lên.

 

Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, nhưng nguyên nhân thường gặp là do vi sinh vật (chủ yếu là ecoli), do các hoá chất, do thực phẩm có độc (các chất độc tự nhiên). Trong số những ca ngộ độc vi sinh vật, có tới 80,65% bắt nguồn từ thực phẩm là động vật. Đặc biệt ở các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm, như cá, sữa, hải sản… nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay, sau khi ăn bảo quản không cẩn thận… thì nguy cơ gây ngộ độc càng cao.

 

Có một thực tế nguy hiểm là nhiều bà nội trợ coi tủ lạnh là nơi chứa thực phẩm an toàn nhất. Thực tế không phải vậy. Tủ lạnh chỉ có tác dụng giữ tươi thực phẩm, làm hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Nếu đưa nhiều đồ ăn, rau quả vào tủ lạnh sẽ khiến không khí trong tủ không thể lưu thông. Tủ không được vệ sinh thường xuyên, nước thịt, rau quả bị rớt trong tủ để lâu không lau sẽ là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển…

 

Điều trị

 

Điều trị ngộ độc thực phẩm chủ yếu là điều trị triệu chứng để giảm đau, chống nôn (khi người bệnh đã nôn quá nhiều).

 

Người bệnh cần được bù nước, bù muối bằng oresol hoặc nước cháo muối.

 

Cân nhắc và sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

 

Hồng Hải