Giảm sức nghe vì mắc viêm tai giữa cấp

(Dân trí) - “Cách đây mấy tháng tôi nghe cháu nói là bị đau trong tai nhưng không để ý. Đến khi cô giáo thông báo về việc nhiều lúc gọi cháu mà dường như cháu không nghe, còn đòi chuyển lên ngồi bàn đầu để nghe cho rõ”, bố của em H.T.Thanh (Q.Gò Vấp) nói.

Ngay lập tức tôi phải đưa cháu đi bệnh viện khám thì mới biết cháu bị viêm tai giữa cần phải chữa trị gấp.

 

Viêm tai giữa cấp là căn bệnh do sự tác động của thay đổi thời tiết, dị ứng, khói thuốc lá.... Với trẻ nhỏ, bệnh thường khởi phát sau khi bị cảm, viêm xoang, viêm amiđan, viêm hạnh nhân hầu. Tai trẻ sẽ chảy mủ hoài (đặc trưng nổi bật của bệnh) nếu các nguyên nhân này không được trị dứt điểm.

 

Nếu bị viêm tai giữa lâu ngày, có thể sẽ thành viêm tai xương chũm mạn tính, hình thành cholesteatoma... với các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như áp xe não, viêm màng não, viêm não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, ....

 

Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM: Bệnh viêm tai giữa cấp thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi. Trong nhóm trẻ 3 tuổi thì có khoảng từ 50% - 85% trẻ bị viêm tai giữa cấp. Ở nhóm trẻ 1 tuổi có khoảng 10% - 20% bị trên 3 đợt viêm tai giữa cấp/năm. Sau 1 tuổi gần 40% trẻ bị khoảng 6 đợt viêm tai giữa cấp/năm.

 

Sau đợt cấp, bệnh vẫn âm thầm diễn tiến và nếu không được điều trị đúng sẽ ảnh hưởng đến sức nghe. Do đó khi trẻ đến tuổi đi học, trẻ sẽ khó tiếp thu bài vở, kết quả học tập không đúng khả năng và khó thích nghi với trường lớp.

 

Để có thể hiểu và sớm phát hiện bệnh viêm tai giữa cấp, đồng thời chủ động phòng bệnh và ngăn ngừa di chứng, các bậc phụ huynh có thể đến tham dự chương trình “Tư vấn và khám viêm tai giữa cấp ở trẻ em miễn phí” lúc 8h ngày 23/11/2008 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

 

Hoài Lương