Giải cứu tình trạng ứ máu kinh suốt 5 tháng cho bé gái bước vào dậy thì

(Dân trí) - 5 tháng trở lại đây, cô bé 12 tuổi P.T. Oanh (Hữu Lũng, Lạng Sơn) bị đau bụng liên tục. Khi đến BV Phụ sản Trung ương khám, các bác sĩ phát hiện em bé bị dị dạng, thiếu 1/3 dưới âm đạo nên máu kinh không có đường thoát ra ngoài, gây ứ đọng.

PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, cháu bé nhập viện từ hôm 9/10, nhưng đến ngày hôm qua, 3/11 bệnh nhi mới được mổ bởi gia đình lo lắng, chưa đồng ý mổ cho con.

Bệnh nhân tỉnh táo, không còn đau bụng sau ca phẫu thuật. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân tỉnh táo, không còn đau bụng sau ca phẫu thuật. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhi này bị đa dị tật vùng sinh dục – hậu môn. Lúc sinh ra 3 tuần tuổi bé đã được phát hiện bệnh hậu môn tiền đình, dò đường phân từ hậu môn lên âm đạo. Tuy nhiên vì quá nhỏ tuổi nên chưa thể can thiệp. Đến khi bé được 9 tháng tuổi, bệnh nhi đã được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, khi đó là Giám đốc BV Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật, can thiệp để phân từ hậu môn không dò lên vùng âm đạo. Còn tình trạng đi ngoài không tự chủ của bệnh nhi vẫn chưa thể giải quyết được.

TS Quyết cho biết, khi tiến hành siêu âm, các bác sĩ phát hiện lượng máu kinh khá nhiều ứ đọng trong tử cung. Các bác sĩ sản nhi tại Lạng Sơn cũng phát hiện tình trạng này và đã chuyển lên tuyến Trung ương.

Khi tiến hành khám chuyên sâu, bác sĩ phát hiện cháu bé bị thiếu 1/3 dưới âm đạo, không có đường dẫn để máu kinh nguyệt từ tử cung ra ngoài khiến em bị ứ máu kinh gây đau bụng liên tục. “Tình trạng ứ máu kinh cũng khiến người bệnh đau đớn, máu đọng nhiều khiến tử cung giãn ra, máu kinh trào ngược trong bụng gây nhiễm khuẩn nếu để lâu”, TS Quyết nói.

Tiến hành hội chẩn, để chữa triệt để, cắt tử cung là hiệu quả nhất. Nhưng nếu cắt tử cung, cháu bé sẽ không còn cơ hội tự sinh nở. Vì thế, TS Quyết quyết định phẫu thuật tạo hình ống dẫn kinh, dù hoàn toàn có nguy cơ bị dính lại và do cháu bé đại tiện không tự chủ nên phân từ hậu môn có thể xâm nhập ngược lên, nguy hiểm.

BS Đàm Thị Quỳnh Liên, Phó trưởng khoa Phụ ngoại (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, các bác sĩ đã phải gọi điện thuyết phục rất nhiều để bố bệnh nhi đồng ý mổ cho con. Nhưng nghe bác sĩ giải thích khả năng thành công là 90%, do chính Giám đốc BV trực tiếp mổ, ông bố này đã đưa con trở lại viện để các bác sĩ làm phẫu thuật.

Ca phẫu thuật do PGS.TS Quyết trực tiếp mổ, bác sĩ Liên phụ mổ đã thành công đến 99%. Sau khi nội soi ổ bụng, đánh giá dị dạng, các bác sĩ dẫn lưu ra 500ml máu kinh ứ đọng ở tử cung, vòi trứng bên phải. Sau đó đã tạo hình đường dẫn máu kinh ra ngoài, bệnh nhân hết ngay tình trạng đau bụng.

“Như vậy, với lần có kinh ở tháng tới, kinh nguyệt của em sẽ hoàn toàn bình thường, không còn tình trạng ứ đọng do không có đường thoát và khi lớn lên, em hoàn toàn có thể sinh đẻ bình thường”, TS Quyết nói.

TS Quyết cho biết thêm, chi phí ca mổ ngoài bảo hiểm y tế sẽ được bệnh viện miễn phí hoàn toàn cho cháu bé. Bởi tuy bị bệnh lý đại tiện không tự chủ, phải đóng khố nhưng theo lời bố cháu bé, cháu rất ham học hỏi, là học sinh giỏi ở lớp.

TS Quyết cũng hy vọng sự giúp đỡ của mọi người để động viên tinh thần cháu bé, do gia đình khó khăn, bố Oanh làm nghề chặt mía thuê tại Trung Quốc, nhà có 4 đứa con, mẹ nói tiếng kinh không sõi. Riêng Oanh ngoài bệnh lý này còn bị liệt một chân, nhưng học hành giỏi giang.

Về bệnh lý dị dạng sinh dục, TS Quyết cho biết tỉ lệ gặp rất ít, nhưng do BV Phụ sản Trung ương là bệnh viện tuyến cuối, nên hầu như tuần nào cũng gặp ca bệnh.

Có rất nhiều dị dạng sinh dục khác nhau, từ tử cung đôi, không có đường dẫn máu kinh, đến không có âm đạo.

Đặc biệt có một gia đình ở Nghệ An có 4 người con gái, thì có đến 3 người không có tử cung và âm đạo nên không làm mẹ, không làm vợ được, dù buồng trứng hoàn toàn bình thường. Để giải quyết những tình trạng này, các bác sĩ đã tạo hình âm đạo cho bệnh nhân để có thể quan hệ tình dục bình thường. Còn muốn có con, bệnh nhân sẽ phải nhờ mang thai.

Hồng Hải