Giấc mơ của người “bán” và “mua” thận

(Dân trí) - “Hầu hết bệnh nhân suy thận đều mong muốn được ghép thận. Điều đó sẽ đưa họ trở về cuộc sống bình thường hàng ngày, thay vì cách ngày lại phải lọc máu trên giường bệnh. Và vì có nhiều ao ước đó, nên người rao bán thận cũng không phải là hiếm”.

TS.BS Nguyễn Cao Luận, trưởng khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trước hiện tượng gần đây có rất nhiều người rao bán thận.

Nhan nhản người rao bán thận

Thông tin hai anh em ruột ở Hải Dương rao bán thận qua tờ rơi tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội mấy ngày nay, khiến nhiều người rất bất ngờ, ngỡ ngàng vì không ai nghĩ người ta lại có thể rao bán đi một bộ phận cơ thể lành lặn của mình.
 
Giấc mơ của người “bán” và “mua” thận - 1
Những bệnh nhân suy thận mãn đang ngồi đợi đến lượt chạy thận tại khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai. Lượt của họ đã là ca thứ 4 trong ngày. Có những
ngày cao điểm, một máy chạy thận ở đây phải làm việc tới 6 ca (Ảnh: H.Hải)

Nhưng đó là với những người “ngoại đạo”, còn trong thế giới nhỏ của những người bị suy thận thì câu chuyện về những người rao bán thận không còn xa lạ. Như tại khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai, hầu như tuần nào cũng có người đến “bắt mối”, trò chuyện, làm quen với người bệnh để xem ai có nhu cầu ghép thận thì họ bán. Còn trên mạng, chỉ cần gõ thông tin “mua thận ở đâu” thì mọi người đều dễ dàng đọc được những tin rao bán thận của nhiều người trẻ với đầy đủ thông tin liên lạc.

Chọn người đăng thông tin rao bán gần nhất (ngày 28/2), phóng viên Dân trí bấm số điện thoại 0122…5 . Người bán là một thanh niên còn rất trẻ. Cậu nói mình tên T. 22 tuổi, quê gốc ở Quảng Ngãi, hiện làm nghề tự do ở TP Hồ Chí Minh. T. rao bán một quả thận của mình với mong muốn sẽ kiếm được 50 triệu để có đủ tiền mổ cho mẹ. T nói em biết những hiểm nguy có thể xảy ra trong quá trình bán thận. T giấu mẹ bán thận nên đã không thành công trong “mối” giao dịch đầu tiên vì người mua muốn gặp nhân thân của người bán.

Còn em Vũ Đình T. (một bệnh nhân suy thận độ 3B) đang phải chạy thận 3 lần/tuần tại khoa Thận nhân tạo luôn ao ước, giá như nhà có điều kiện hơn để có thể mua thận, dù trái pháp luật, nhưng có tiền sẽ sẵn sàng ra nước ngoài để ghép thận, thay vì phải nằm bẹp trên giường chạy thận mỗi tuần.

 “Những người rao bán thận, phần nhiều là cực chẳng đã, rơi vào cảnh túng quẫn, cần tiền…  Còn chúng tôi khi biết thông tin, đều nói thẳng với họ, cũng như với người bệnh, mọi việc mua - bán hay hiến tặng bộ phận cơ thể đều không thực hiện được vì đó là trái luật. Chưa kể, chi phí để thực hiện đầy đủ các chỉ số xét nghiệm, xem người cho - người nhận có hợp không khá tốn kém, lên tới 10 triệu đồng, nên người nghèo sẽ càng kiệt quệ, nếu người mua không đồng ý chi trả khoản tiền đó, do quả thận không hợp với họ”, TS Luận nói.

Dù là phạm luật, nhưng TS Luận cho rằng, nhu cầu mua - bán thận là hoàn toàn bình thường, có cầu ắt có cung. Điều căn bản nhất là ở Việt Nam chưa có luật về mua, bán, hiến tặng bộ phận cơ thể, nên nếu xảy ra vấn đề gì trong quá trình mua - bán đó thì rất phức tạp. Vì thế, hiện các bệnh viện chỉ nhận ghép thận cho những người có người thân cho thận và các chỉ số sinh học hài hòa.

Vì chưa có luật, chưa có ngân hàng thận nên việ ccho, tặng hay mua bán đều rất khó khăn cho cả người muốn hiến tặng và người muốn nhận.

Người ruột thịt có thể cho thận 

Giấc mơ của người “bán” và “mua” thận - 2
Họ, những con người cả đời phải gắn với máy lọc thận luôn ao ước có một cơ hội để ghép thận, để họ có thể trở lại cuộc sống bình thường, dù chặng đường đó cũng rất gian nan (Ảnh: H.Hải)
 
“Ước mơ của mọi bệnh nhân suy thận là mong muốn được ghép thận. Chỉ là do chi phí đắt đỏ, không tìm được nguồn cho (từ gia đình, người thân) nên họ đành ngậm ngùi lựa chọn các biện pháp còn lại là lọc máu, lọc màng bụng”, TS Luận nói.

 Vì lọc máu tại bệnh viện hay lọc màng bụng tại gia đình thì chi phí rẻ hơn, nhưng người bệnh không trở lại được cuộc sống bình thường như ghép thận. Hằng ngày họ vẫn phải tiến hành thủ thuật tại nhà (với lọc màng bụng), hay cách ngày lại đến bệnh viện, chờ đợi đến lượt rồi nằm 3-4 tiếng để lọc máu. Tuy vậy, họ cũng không thể trở về được trạng thái sinh lý bình thường, luôn thèm khát một lần tự… tiểu tiện được như người bình thường. Vì thế, những người có điều kiện kinh tế, lại tìm được nguồn thận thích hợp thì họ đều lựa chọn phương pháp ghép thận. Chi phí cho một ca ghép thận tại Việt Nam (khi đã có nguồn cho là người nhà) khoảng 200 triệu đồng. Chưa kể, sau khi ghép xong, người bệnh phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, với chi phí từ 3-9 triệu/tháng và mỗi tháng đều phải đến viện xét nghiệm định lượng trong máu thuốc chống thải ghép để kịp thời điều chỉnh liều lượng thuốc.

Theo TS Luận, với nhu cầu ghép thận rất lớn như hiện nay, khi nào luật hiến mô tạng được ban hành, có ngân hàng thận thì sẽ rất thuận lợi cho cả hai đối tượng cho - nhận. Những người khi mất đi, có mong muốn để lại bộ phận cơ thể cho những người còn sống cũng sẽ rất thuận lợi.  Ngay cả với những đối tượng muốn bán thận, đó cũng không phải là một điều xấu, cũng như những người hiến máu chuyên nghiệp, họ có thể bán và được ngân hàng thận lưu giữ quả thận đó để có thể ghép cho những người bệnh có nhu cầu.

Hiện nay, ở Việt Nam, những người có nhu cầu ghép thận, gia đình có người cho có thể đăng ký với nhiều bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, Viện Quân Y 103, Bệnh viện chợ Rẫy… Khi đã có cặp cho - nhận và chứng minh được là người nhà, có quan hệ họ hàng, bệnh viện sẽ tiến hành các xét nghiệm cơ bản xem quả thận có hòa hợp, nếu hợp thì hoàn toàn có thể ghép thận. Trước khi lấy thận để ghép, bác sĩ sẽ phải tiến hành tổng thể các xét nghiệm về chức năng thận để xác định kỹ, nếu lấy đi một quả thận, người cho có bị ảnh hưởng gì không. Vì nếu lấy nhầm một quả thận có chức năng kém ghép cho người bệnh thì quả thận này cũng nhanh chóng bị suy. Bản thân người cho đã mất một thận, thận còn lại cũng bị suy nốt thì từ một người lại thành hai người phải chạy thận, vừa tốn kém, vừa tăng gánh nặng cho xã hội.  

Theo TS Luận, Việt Nam có khoảng 10% dân số bị suy thận ở các cấp độ, trong đó có nhiều người trẻ. Đáng nói trong số đó, mới chỉ khoảng 10% người bệnh được tiếp cận điều trị, do chi phí điều trị bệnh thận khá cao.

 

 Tất cả bệnh nhân chạy thận đều nghèo, nhiều người chỉ đến viện để biết thế nào là chạy thận, rồi lặng lẽ trở về nhà, chấp nhận cái chết. Vì thế, việc phát hiện bệnh thận sớm rất quan trọng, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn 1, 2 người bệnh được điều trị bảo tồn từ 5 -10 năm mới phải chạy thận. Vì thế, nên đi xét nghiệm chức năng thận theo định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị.

 Hồng Hải