Già trước khi giàu

Nếu không có sự chủ động một cách tích cực về chính sách an sinh xã hội, y tế... dân số Việt Nam có thể rơi vào tình trạng già trước khi giàu.

Già trước khi giàu - 1


 

Việt Nam đã bắt đầu bước vào gia đoạn “dân số vàng”- nhóm người trong độ tuổi lao động lớn và nhóm người phụ thuộc (dưới 15 và trên 65 tuổi) chiếm tỷ lệ lần lượt là dưới 30% và dưới 15%, từ 2010. Giai đoạn đặc biệt này chỉ diễn ra một lần trong lịch sử nhân khẩu học mỗi quốc gia, nó kéo dài trong 30 năm và sẽ quyết định sự thành bại trong tăng trưởng kinh tế cũng như an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại hội thảo vừa tổ chức ở Hà Nội, TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý- ĐH Kinh tế quốc dân đã cảnh báo nếu không kịp thời có những chính sách mới về bảo hiểm, quỹ lương hưu, an sinh xã hội, Việt Nam sẽ rơi vào tình huống... già trước khi giàu.

 

Tại hội thảo, ông Giang Thanh Long cho hay qua điều tra điểm ở một vài địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh..., tỷ lệ gia đình “khuyết thế hệ”, tức gia đình chỉ có ông bà sống cùng cháu nhỏ, do bố mẹ các cháu phải tha hương kiếm sống rất lớn. Ở những gia đình này, nếu ông bà có lương hưu, cuộc sống dễ thở hơn. Nhưng trường hợp ông bà không có lương hưu, việc phải chăm nuôi thêm cháu nhỏ trở thành gánh nặng. Nhiều ông bà già 70-80 tuổi vẫn phải lụm cụm mót cá vụn ngoài cảng hoặc đan lát, trồng tỉa kiếm sống và chăm sóc cháu nhỏ rất vất vả.

 

Chính vì lý do này, các chuyên gia khuyến cáo nói đến giai đoạn dân số vàng, không nên bỏ qua nhóm dân số trẻ - lực lượng sắp bước vào và đang ở độ tuổi lao động- về dạy nghề, đào tạo kỹ năng sống, tạo việc làm và cả nhóm dân số già, bằng cách thay đổi chính sách về an sinh xã hội. Theo đánh giá chung, nếu giữ mức đóng và mức chi như hiện nay, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt trong thời gian không xa, do trước đây người ta tính thời gian hưởng lương hưu trung bình khá thấp so với tuổi thọ bình quân hiện nay ở Việt Nam, hiện đã ở mức trên 73 tuổi và đang tiếp tục theo xu hướng tăng.

 

Ông Giang Thanh Long cho hay ở các nước phát triển, các siêu sao thể thao có thể an tâm có cuộc sống đầy đủ sau khi giải nghệ, kể cả những trường hợp chấn thương buộc phải giải nghệ sớm, do chính sách về an sinh xã hội khá tốt. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều siêu sao thể thao có cuộc sống vương giả khi còn sung sức, nhưng lại có cuộc sống rất khó khăn khi về già, hoặc phải giải nghệ sớm vì chấn thương. Ông Long khuyến cáo hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ cần phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện dân số vẫn tăng theo “đà” và bắt đầu “già”, bằng việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi...

 

Chính vì lý do này, nhân khẩu học có khái niệm “già hoá chủ động”, bằng cách thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người già rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Người dân đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già. Những trường hợp không có con cái hoặc con cái không có điều kiện chăm sóc, hệ thống dịch vụ xã hội sẽ lãnh trách nhiệm chăm sóc khi họ về già. “Già hoá chủ động” bao gồm các yêu cầu: dịch vụ y tế xã hội, kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường vật chất. Chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu này, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, chúng ta sẽ đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu, tránh “cú sốc” với người cao tuổi.

 

Nếu lấy năm 1979 làm cơ sở thì hệ số dân số trẻ em từ 0-4 và 5-9 giảm gần một nửa trong giai đoạn 1979-2009. Hệ số dân số nhóm tuổi 15-64 (nhóm trong độ tuổi lao dộng) nhìn chung tăng lên, đặc biệt là nhóm 30-54 tuổi. Trong nhóm dân số 65 tuổi trở lên, các nhóm dân cư từ 80 tuổi trở lên tăng rất nhanh, chứng tỏ tiến bộ về tuổi thọ bình quân.

 

Tuy nhiên, về chính sách an sinh xã hội, phần lớn người cao tuổi Việt Nam hiện nay không hưởng bất kỳ chế độ hưu trí và trợ cấp nào. Nếu có lương hưu hoặc trợ cấp, khoản thu nhập này cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chi tiêu cần thiết của hộ gia đình.

 

Phần lớn người cao tuổi vẫn sống cùng hoặc nhận sự trợ giúp của con cái. Trong bối cảnh dân số có xu hướng già hoá nhanh, việc thu hút người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế- xã hội sẽ giúp thúc đẩy giá trị cuộc sống, an sinh gia đình, trong đó người cao tuổi và con cháu cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau về vật chất và tinh thần.

 

Theo Hằng Nga

Sức khỏe & An toàn thực phẩm