Giá thực và giá bán của thuốc khác xa nhau

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhận định, trên thị trường vẫn tồn tại sự bất hợp lý giữa giá trị thực của thuốc so với giá bán thuốc. Đây là yếu tố quan trọng là tăng chi phí khám chữa bệnh và gây biến động thị trường.

Nguyên nhân chính, có tới 50% giá trị thuốc thành phẩm phải nhập khẩu từ nước ngoài. Số thuốc sản xuất trong nước thì 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Vì vậy, ngành Dược hầu như không chủ động được khi có biến động về giá cả.

Trong qúy I/2008 giá thuốc đã có biến động. Do có điều hành từ Chính Phủ nên tình hình tăng giá vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, bắt đầu từ Quý III/2008 giá thuốc sẽ tăng mạnh.

Theo báo cáo của ngành Dược, năm 2007, chỉ số giá nhóm hàng y tế, dược phẩm là 7,05% đứng thứ 5/10 nhóm hàng chủ yếu; quý I/2008 là 1,87%, đứng thứ 9/10 nhóm hàng chủ yếu.

Nhằm hạn chế tình trạng bị động về giá, ngành Dược đang tập trung phát triển công nghiệp nguyên liệu để từng bước sản xuất được một số nguyên liệu kháng sinh, hóa dược hữu cơ quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp cho công nghiệp bào chế thuốc thành phẩm.

Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để có thể sản xuất 10 - 12 loại vắc xin, phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng và xuất khẩu cũng đang được Nhà nước chú trọng đầu tư.

Tận dụng vùng nguyên liệu sinh học

Tại Hội nghị ngành Dược 2008 tổ chức (25/4), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Bộ Y tế có biện pháp tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Dược phát triển.

Theo báo cáo của ngành Dược, năm 2007, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt trên 600 triệu USD, chiếm gần 53% giá trị tiền thuốc sử dụng, tăng 16,5% so với năm 2006; tiền thuốc bình quân đầu người đạt mức 13,4 USD/năm, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2001 và 1,2 lần so với năm 2006.

P. Thanh