Thừa Thiên – Huế:

Gia tăng bệnh sốt rét ngoại lai từ dân địa phương đi lao động xa

(Dân trí) - Ngày 6/9, trao đổi với Dân trí, ThS.BS. Hoàng Văn Hội, GĐ Trung tâm Phòng chống Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng tỉnh TT-Huế cho biết đang có tình trạng gia tăng sốt rét ngoại lai tại huyện Phú Lộc tỉnh này do dân địa phương đi lao động xa mắc bệnh truyền về.

Theo đó, tại xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì và Thị trấn Phú Lộc thuộc huyện Phú Lộc trong năm 2011 đã tăng từ 24 lên 52 người bị nhiễm sốt rét loại P.vivax. Trong 7 tháng đầu năm 2012, con số bị sốt rét loại này vẫn còn duy trì ở mức cao với 47 người bị bệnh.  So với toàn tỉnh với 162 ca, Phú Lộc chiếm 1/3 các ca sốt rét và chủ yếu là sốt rét ngoại lai do mầm bệnh ngoài truyền vào.

“Khác với sốt rét thông thường ở tỉnh TT-Huế thuộc loại P.falciparum, thì đây là loài sốt rét ngoại lai thường chỉ có ở các tỉnh phía Tây Nguyên và Lào. Các thanh niên lao động xa có quê ở Phú Lộc khi đi trồng thuê cao su ở miền Nam, đãi vàng ở Đăk Lăk hay khai thác gỗ ở phía Bắc nước Lào đã bị nhiễm loại vi-rút gây bệnh sốt rét p.vivax. Khi về quê ăn tết hay nghỉ ngơi, họ đã truyền vào cho nhiều người dân địa phương. Chỉ từ năm 2011 mới xuất hiện với tỷ lệ cao loại sốt rét này”, BS Hội nói.

P.vivax, loại sốt rét ngoại lai hiện đang gia tăng tại TT-Huế
P.vivax, loại sốt rét ngoại lai hiện đang gia tăng tại TT-Huế

P.vivax là loại vi-rút sốt rét ngoại lai tuy không bị bệnh nặng bằng P.falciparum (có thể gây bệnh ác tính dẫn đến tử vong) nhưng lại có thời gian điều trị dài ngày và khó dứt điểm hơn. Nếu bị sốt rét P.falciparum chỉ cần 1 ngày là điều trị khỏi thì ở P.vivax, nếu điều trị cắt cơn cần 3 ngày và điều trị dứt điểm cần 14 ngày theo phác đồ điều trị mới năm 2009 của Bộ Y tế.

Đây chính là một điểm khó đối với những ai muốn điều trị dứt điểm. Bởi vì các thanh niên mắc bệnh khi nghe chỉ dẫn như cấm uống bia rượu trong 14 ngày hay phải nằm ở nhà suốt thời gian đó thì chịu không nổi. Do bệnh không quá nặng nên họ chủ quan đi làm lại, và thế là lại bị mắc bệnh sốt rét này.

BS Hội cũng khuyến cáo đến những người đi rừng ở ngoại tỉnh hay ở Lào cần phải mang theo màn ngủ có tẩm hóa chất. Tại Việt Nam, đã có chương trình miễn phí thuốc sốt rét nên bà con phải đến cơ sở y tế của địa phương để xin cấp 1 liều thuốc điều trị sốt rét tự điều trị khi vào rừng.

Th.s.Bs. Hoàng Văn Hội, GĐ Trung tâm Phòng chống Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng tỉnh TT-Huế
Th.s.Bs. Hoàng Văn Hội, GĐ Trung tâm Phòng chống Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng tỉnh TT-Huế

Khi đi làm xa về lại quê nhà thì nhất thiết nên đến ngay cơ sở y tế phường xã để lấy lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét. Nếu bị mắc bệnh thì phải điều trị ngay theo chương trình miễn phí quốc gia về phòng chống sốt rét ngay tại trạm y tế. Và phải tuân thủ quy trình điều trị theo phác đồ 2009 của Bộ Y tế như đã nêu trên. Ở Lào không có chuyện miễn phí điều trị như ở Việt Nam. Mỗi ca điều trị phải bỏ số tiền lớn ra từ 9 đến 10 triệu đồng.

Trước đây khi nói đến P.vivax, thường mọi người nghĩ đây là một loại sốt rét cách nhật và lành tính, điều này gây một sự chủ quan nguy hiểm. Tuy nhiên gần đây, nhiều báo cáo sốt rét ác tính do P.vivax gây ra.Trong một báo cáo tại Hàn Quốc với 110 ca nhiễm P.vivax, người ta ghi nhận : không có biểu hiện cơn bộc phát sốt (22,8%), chậm nhịp tim (13,6%), đau cơ (6,3%), vàng da (7,2%), thiếu máu nặng (7,2%), giảm tiểu cầu (3.6%), giảm huyết cầu toàn thể (0,9%), hạ huyết áp tư thế (2,7%), nổi ban đỏ ngứa và dạng mày đay từng đợt (1,8%), rối loạn thần kinh (0,9%)…

Những biến chừng nguy hiểm do P.vivax mang lại như: Vỡ lách gây nguy cơ tử vong 80%, thiếu máu và giảm bạch cầu nặng,  giảm tiểu cầu nặng, tổn thương phổi cấp, hội chứng nguy ngập hô hấp cấp, nhiễm độc, suy đa phủ tạng…











Đại Dương