Gắp viên bi trong thực quản của bé 20 ngày tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa phẫu thuật thành công ca bệnh hiếm gặp. Đó là một trẻ sơ sinh nuốt phải viên bi ve nhập viện trong tình trạng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng.

Ca bệnh phức tạp

 

Sáng 30/11/2008, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng hết sức nguy kịch. Đó là cháu Bùi Văn Sơn, 20 ngày tuổi ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

 

Bệnh nhi vào viện trong tình trạng rối loạn huyết động mạch không thể bắt được, da và niêm mạc nhợt nhạt, tràn khí dưới da vùng cổ. Ngay lập tức cháu bé được cấp cứu hồi sức tích cực, sau 6 giờ thì tình trạng huyết động ổn định. Tuy nhiên trẻ liên tục nôn ra máu đỏ tươi lẫn máu cục.

 

Mẹ bệnh nhi cho biết, 8 ngày trước bỗng nhiên cháu Sơn quấy khóc dữ dội và nôn ra máu, gia đình đưa tới Bệnh viện huyện Thạch Thành điều trị trong 5 ngày nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm và có dấu hiệu ngày một nặng hơn, cháu Sơn bú rất ít và luôn tỏ ra rất đau đớn. Các bác sĩ Bệnh viện Thạch Thành đã chuyển cháu bé đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

 

Trên lâm sàng và các kết quả chẩn đoán hình ảnh, BS. Lê Xuân Trung, người trực tiếp điều trị cho cháu, khẳng định trẻ bị dị vật thực quản ngang mức đốt sống cổ 6, dị vật làm thủng thực quản. Hình dáng của dị vật trên phim Xquang làm các bác sĩ nghĩ tới dị vật là viên bi ve mà trẻ em thường chơi.

 

Một cuộc hội chẩn toàn viện được triệu tập đột xuất và các BS đều thống nhất bệnh nhi bị thủng thực quản do dị vật. BSCKII Lê Tất Hải, Giám đốc Bệnh viện quyết định sẽ trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho cháu Sơn. Khi thực quản được mở ra, các bác sĩ không khỏi bàng hoàng, đúng là một viên bi ve nằm chắn ngang thực quản.

 

Do nằm ở thực quản khá lâu (8 ngày) đã làm viêm nhiễm toàn bộ thực quản và làm thủng một lỗ rộng trên thực quản. Suốt cả phần thực quản bọc viên bi bị mủn nát khiến các bác sĩ không thể nối ngay được mà phải bắt buộc mở thông dạ dày để nuôi dưỡng trẻ.

 

Sau 4 giờ miệt mài trong phòng mổ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công ca bệnh nguy hiểm này.

 

Lời cảnh báo cho những bậc cha mẹ

 

BS. Lê Tất Hải cho biết, ông đã hơn 30 năm làm bác sĩ ngoại khoa ở cả trong và ngoài nước nhưng đây là ca bệnh hi hữu mà ông từng gặp. Một dị vật cực kỳ nguy hiểm là viên bi ve, cháu lại quá bé và đưa đến viện để xử trí trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Do vậy không chỉ có phẫu thuật khó khăn mà việc gây mê hồi sức cho ca bệnh này trong suốt quá trình trước mổ, trong và sau mổ cũng rất phức tạp.

 

Theo BS. Hải, ca bệnh này là một cảnh báo cho các bậc cha mẹ. Vì theo gia đình cho biết, dị tật do trẻ nuốt vào rất có thể là do anh trai của cháu năm nay mới 2 tuổi thường chơi, do người lớn không để ý nên cậu anh này đã cho vào miệng em. Do vậy, các bậc cha mẹ có con nhỏ không chỉ chú ý chăm sóc vệ sinh, dinh dưỡng cho trẻ cẩn thận tránh bị các bệnh nhiễm khuẩn mà còn đặc biệt chú ý đến các tai nạn có thể gây ra cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường nên được chuyển ngay đến các cơ sở y tế, không được chủ quan sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

 

Sau một thời gian được các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh chăm sóc, cháu Sơn đã được xuất viện. BS. Hải cho biết, sau 4 - 6 tháng nữa bệnh viện sẽ tiếp tục phẫu thuật tạo hình lại thực quản cho cháu bé.

 

Theo BS. Lê Xuân Trung

Sức khỏe & Đời sống