Gấp gáp xử lý ô nhiễm asen trong nước ngầm

(Dân trí) - Khu vực đồng bằng sông Cửu long nhiễm asen (thạch tín) gấp 3 lần so với quy định. Còn tại đồng bằng sông Hồng, hàm lượng asen cũng vượt quá giới hạn cho phép 1,5 lần. Nhiều biện pháp khắc phục ngay tình trạng này đã được các nhà nghiên cứu đưa ra.

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học khẳng định: tại Việt Nam, hàm lượng asen có trong nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu long là 30mg/l và ở đồng bằng sông Hồng là 150mg/l, trong khi đó, nồng độ cho phép đối với sức khỏe con người là dưới 10mg/l.

Nghiên cứu về ô nhiễm nguồn nước ở VN, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội) của TS Michael Berg, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường Liên bang Thụy Sĩ (EAWAG), cũng cho thấy: Nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng rất cao, đặc biệt là asen ở Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.

Hiện, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100.000 giếng nước ngầm. Ước tính tổng lượng nước ngầm hiện đang khai thác sử dụng toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Thế nhưng hầu hết các địa phương trong vùng đều chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nước ngầm. Do đó, nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước do khoan rất cao.

Trước thực trạng này,  Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức Hội thảo “Lựa chọn mô hình xử lý ô nhiễm asen trong nước ngầm cho vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long” với 5 phương án xử lý ô nhiễm asen trong nước ngầm được các chuyên gia giới thiệu.
 
5 biện phương án này đã được triển khai ở một số địa phương bước đầu mang lại hiệu quả cao (xử lý được 80% - 95% hàm lượng asen trong nước ngầm). Đó là: mô hình loại bỏ asen kết hợp sắt bằng bể lọc của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường, mô hình xử lý asen bằng cát/đá ong của Quỹ Lien, mô hình loại bỏ asen trong nước ăn uống bằng vật liệu mới NC-F20 của Viện Hóa học, mô hình xử lý asen bằng sắt non của Trung tâm công nghệ tài nguyên nước, mô hình xử lý asen bằng ôxi hóa và kết tủa của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội.
 
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước nhận định, các mô hình xử lý đều trên nền phương pháp xử lý truyền thống (cát, sỏi) và có thêm những vật liệu mới để xử lý asen hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi ứng dụng vào thực tiễn cần phải tính đến các vật liệu sẵn có tại địa phương để người dân dễ tìm, dễ mua, dễ áp dụng và giá thành phải rẻ. Có vậy, người dân ở nông thôn mới có thể tiếp cận và ứng dụng một cách dễ dàng.

P. Thanh