Gần 1/3 dân số chưa bao giờ khám mắt

(Dân trí) - PGS.TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc BV Mắt T.Ư cho biết, theo điều tra của viện Mắt, có khoảng 1/3 dân số chưa bao giờ đi khám mắt, và chỉ khoảng 50% người được hỏi biết được thị lực của mình.

Nguyên nhân một phần do người dân ở các vùng xa xôi, kinh tế nghèo không có điều kiện đi khám bệnh nói chung, khám mắt nói riêng; do sự chủ quan của người bệnh và do tỷ lệ bác sĩ nhãn khoa ở Việt Nam rất thấp.

Với bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, đa phần trẻ ở tuyến xã, tuyến huyện đều được chữa theo những cách dân gian, như nhỏ sữa mẹ vào mắt, rửa lá trầu… Nhiều trẻ do tắc nhẹ nên cũng tự khỏi, còn không ít trẻ bị tắc tuyến lệ nặng, gen lúc nào cũng đầy mắt, khiến trẻ rất khó chịu, mắt kèm nhèm. Trong khi đó, kỹ thuật thông tuyến lệ rất đơn giản nhưng hầu như không một trẻ nào được chữa tại y tế cơ sở mà gia đình đều phải đưa bé lên tuyến tỉnh, trung ương.

PGS. Hơn cho biết: "Chỉ có 46% huyện có bác sĩ chuyên khoa mắt, 70% huyện có y tá nhãn khoa. Đây cũng là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến thói quen ngại đi kiểm tra thị lực của người dân. Bởi biết mắt có vẫn đề nhưng không trầm trọng đến mức họ phải vượt cả một chặng đường dài lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương với chi phí tốn kém để kiểm tra thị lực.

Không chỉ về nguồn nhân lực mà về trang thiết bị chăm sóc mắt cũng thiếu trầm trọng ở tuyến tỉnh và khu vực; ở tuyến huyện và xã hầu như không có trang thiết bị gì phục vụ cho việc khám chữa các bệnh về mắt.

Hiện, trên toàn quốc hiện có khoảng khoảng 1,58 triệu người thị lực kém; 370.640 người ở người độ tuổi từ 50 tuổi trở lên bị mù cả hai mắt, tập trung nhiều ở các tỉnh. Trong đó, mù do đục thủy tinh thể chiếm gần 70%. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ khoảng 116.000 ca mổ đục thủy tinh thể được thực hiện, số tồn đọng mù cả hai mắt do đục thủy tinh thể còn rất lớn, vào khoảng 251.700 người.

Hồng Hải